image banner
Chương VI Lịch sử Đảng bộ xã Hải Nam: Đảng bộ Hải Nam trong sự nghiệp đổi mới của Đảng
             

Chương VI

ĐẢNG BỘ HẢI NAM TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG

(1986-2005)

………..

   I- ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM  LẦN THỨ TƯ (1986-1990):

Quán triệt vận dụng nghị quyết đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, nghị quyết đại hội đại biểu đảng bộ huyện lần thứ 19, nghị quyết đại hội lần thứ 20 -21 của Đảng bộ xã, ba năm 1986 -1988 Đảng bộ và nhân dân xã Hải Nam đã tập trung sức thực hiện 4 chương trình kinh tế lớn: Chương trình lương thực, thực phẩm, chương trình hàng tiêu dùng, chương trình hàng xuất khẩu và chương trình dân số và lao động.

Thực hiện chương trình lương thực và thực phẩm Đảng bộ coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu phát huy thắng lợi của các năm trước quyết tâm tạo nên một bước nông nghiệp toàn diện thâm canh, chuyên canh với yêu cầu năng suất, chất lượng, hiệu quả. Mặc dầu trong 3 năm 1986-1987-1988 có nhiều khó khăn phức tạp thời tiết rét đậm rét kéo dài, sâu bệnh phá hoại. Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo nhân dân cứu lúa như cứu hoả, diệt sâu như diệt giặc nên đã tập trung đội phòng trừ sâu bệnh với các phương tiện bình bơm, nên đã đảm bảo được giàn lúa. Trong điều kiện vật tư tiền vốn gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ và nhân dân quyết tâm giương cao ngọn cờ thâm canh cây lúa nên 3 năm qua đã giành được thắng lợi cả 3 mặt diện tích 1.250 mẫu (462 ha) năng suất 1986 = 90.2 tạ. Năm 1987 là 86 tạ. Năm 1988 là 89 tạ sản lượng 1986 là 2.600 tấn. Năm 1987 là 2.400 tấn. Năm 1988 là 2.500 tấn. So với 3 năm trước năng suất và tổng sản lượng có giảm chỉ đạt 95.5 % nhưng Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân cấy lúa  tăng vụ trên chân mạ, 1 năm 2 mạ 1 rau màu nay chuyển thành 2 vụ mạ, 2 vụ lúa ngắn ngày đạt hiệu quả kinh tế cao, hàng năm tăng 158 tấn thóc, bù lại so với 3 năm trước vẫn tăng hơn mỗi năm 22 tấn.

Đảng bộ vận dụng tinh thần nghị quyết của đại hội chuyển cánh đồng cói sang nuôi tôm xuất khẩu và trồng lúa đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa tăng lương thực có hàng xuất khẩu. Đi đôi với cấy lúa màu trong 3 năm qua vẫn được phát triển nhất là cây cà chua, cây khoai nước. Sản xuất phát triển ngành chăn nuôi được đẩy mạnh, đàn trâu béo khoẻ 127 con, đàn lợn tăng nhanh cả số lượng và chất lượng nhất là đàn lợn lái và lai kinh tế. Tổng đàn lợn bình quân 4 thời điểm trong 3 năm là 23.000 con, trọng lượng xuất chuồng tăng bình quân 3 năm trước 56 kg trên con, nay tăng lên 61 kg trên con. Nhìn chung về mặt chăn nuôi số lượng và trọng lượng tăng nguyên nhân từ chăn nuôi tập thể và cá nhân nay chuyển sang nuôi gia công khóan cho xã viên còn gia cầm vẫn phát triển nhất là đàn vịt và cá. Mấy năm qua mô hình V-A-C đạt kết quả cao.

Công tác quản lý kinh tế được tăng cường điển hình một số định mức kinh tế kỹ thuật, thực hiện hạch toán kinh tế công khai, nhưng cơ chế  khóan theo chỉ thị 100 ngày càng bộc lộ những thiếu sót khuyết điểm tình trạng rong công phóng điểm còn nhiều, khê đọng sản phẩm nhiều và phổ biến. Nên Đảng bộ đã lãnh đạo chuyển sang cơ chế khóan đơn giá ngày công thanh toán gọn đây là một tiến bộ mới trong quản lý nông nghiệp tạo điều kiện đến vụ mùa năm 1988 đi vào thực hiện nghị quyết 10 của bộ chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, tổ chức sắp xếp lại, lập phương án khóan hộ, chia ruộng theo nhân khẩu, hóa giá trâu bò, công cụ nhỏ giao ruộng cho xã viên. Đại hội xã viên kiện toàn bộ máy ban quản lý sản xuất phát triển làm nghĩa vụ đối với nhà nước và tập thể trong 3 năm thực đều hoàn thành lương thực 100% (450 tấn thóc, 50 tấn thịt lợn hơi, 350 lá chiếu, 80.000 viên ngói, 4 tấn tôm xuất khẩu, 2 triệu năm trăm ngàn đồng, hoàn thành mua công trái đợt 1 và 2 là 500.000 đồng). Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ 4, Đảng bộ và nhân dân đã có nhiều cố gắng thực hiện chương trình dân số và lao động, các cấp các ngành từ xã đến cơ sở đội, tập trung tuyên truyền vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình, có chế độ đối với các đối tượng sinh đẻ có kế hoạch, cộng với sự giúp đỡ của ngành y tế trực tiếp là phòng y tế huyện đảm bảo an toàn về nghiệp vụ chuyên môn nên 3 năm qua đã đạt kết quả tốt tỷ lệ phát triển dân số năm 1986 là 2.2 %, năm 1987 là 2 %, năm 1988 là 1.7 % phong trào nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới kết quả 25 hộ 48 lao động, 105 khẩu (trong đó có 5 đảng viên).

Sản xuất phát triển đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, lương thực bình quân đầu người 520 kg thóc trên năm bình quân 16.6 kg/ tháng. Đường xá liên thôn, liên đội được cải tạo việc đi lại của nhân dân được thuận tiện. Sự nghiệp văn hóa giáo dục, y tế, truyền thanh, thể dục, thể thao được củng cố và phát triển.

Về mặt truyền thanh có bước phát triển góp phần vào việc tuyên truyền sâu rộng các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước. Cũng như các nghị quyết, quy chế của địa phương nhằm cổ vũ động viên nhân dân hăng hái tham gia sản xuất thực hành tiết kiệm đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện nghị quyết 14 của Bộ chính trị về cải cách giáo dục đã coi trọng cả số lượng và chất lượng, số lượng giữ vững bình quân cứ 10 người dân có 2 người đi học, về chất lượng hàng năm các khối lên lớp đạt 95 % nhất là số học sinh vào cấp 3.

Mạng lưới y tế có tiến bộ trong việc khám chữa bệnh, tiêm phòng 6 loại bệnh mùa hè cho trẻ em, phòng chống dịch chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân.

Tăng cường công tác an ninh quốc phòng. Đảng bộ thường xuyên giáo dục ý thức quốc phòng toàn dân nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng ra sức củng cố lực lượng dân quân, xây dựng đại hội dự bị động viên, trung đội an ninh quốc phòng, hàng năm tổ chức huấn luyện cho dân quân thực hiện chương trình của huyện đảm bảo chất lượng. Công tác giao quân hàng năm nhà đều vượt chỉ tiêu. Năm 1986 76 thanh niên; năm 1987 22 thanh niên; năm 1988 20 thanh niên nhập ngũ.

Thi hành Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam, thực hiện cuộc vận động xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong  sạch và vững mạnh,  đại hội Đảng bộ các khóa 20 -21 đã đề ra phải đưa công tác xây dựng Đảng lên ngang tầm nhiệm vụ cấp bách có tính chất quyết định để đưa phong trào đi lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới theo tinh thần ng hị quyết VI. Những kết quả đạt được trong 3 năm qua, thực hiện điều lệ Đảng, đại hội Đảng bộ lần thứ 21, từ ngày 16 -18 tháng 10 năm 1986 đã bầu ra ban chấp hành mới gồm 15 đồng chí phần đông là trẻ, khoẻ có trình độ năng lực so với những khóa trước. Đội ngũ cán bộ từng bước được đổi mới, bộ máy được sắp xếp gọn nhẹ và có hiệu lực, đội ngũ cán bộ gián tiếp của toàn xã đã giảm so với trước 7.1% riêng cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp đã giảm 30% so với cán bộ từ hợp tác xã đến đội.

Về mặt tư tưởng qua học tập nghị quyết Đại hội VI nghị quyết lần thứ 2 của Tỉnh Đảng bộ Hà Nam Ninh, nghị quyết đại hội lần thứ 18 của Đảng bộ huyện và các nghị quyết của ban chấp hành trung ương Đảng, bộ chính trị và ban bí thư nhận thức của Đảng viên được nâng lên, các cấp uỷ đều được dự lớp sơ cấp chính trị do huyện mở, lề lối làm việc của cấp uỷ được tiến bộ. Kết quả việc thực hiện cuộc vận động xây dựng Đảng chi bộ vững mạnh. Qua phân loại chi bộ vững mạnh đạt 72 %. Yếu kém 28 % trong tổng số 25 chi bộ.

-Số đảng viên 1986 là 378 đảng viên phấn đấu tốt = 49.3 %.

Phấn đấu chưa tốt là 193 đồng chí = 50.7 %.

-Năm 1987 là 394 đảng viên.

Phấn đấu tốt 201 đảng viên = 50.1 %.

Phấn đấu chưa tốt 193 đảng viên = 49.1 %.

-Năm 1988 là 402 đảng viên.

Phấn đấu tốt 206 đảng viên = 51 %.

Phấn đấu chưa tốt 196 đảng viên = 49 %.

Số đảng viên kết nạp 3 đồng chí.

Số đảng viên thóai hóa biến chất bị thi hành kỷ luật:

Về phẩm chất đạo đức khai trừ 4 đảng viên.

1 đảng viên xoá tên về trình độ quá thấp.

2 đảng viên rút vì hoàn cảnh khó khăn và hiểu biết về Đảng quá yếu.

Công tác xây dựng chính quyền và các đoàn thể quần chúng. Từng bước được đổi mới, Đảng bộ lãnh đạo bầu cử hội đồng nhân dân xã đúng luật, đúng nguyên tắc, dân chủ, công khai, sau khi bầu cử đã lựa chọn bầu ra Uỷ ban nhân dân xã, trẻ khoẻ, có phẩm chất và năng lực, nên việc điều hành công việc bước đầu phát huy hiệu lực của chính quyền trên các mặt hành chính, kinh tế xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Công tác vận động quần chúng tiếp tục được tăng cường các tổ chức quần chúng đều được kiện toàn.

Được sự chỉ đạo của Huyện uỷ Hải Hậu và thường vụ Đảng uỷ xã Hải Nam, thể theo nguyện vọng tha thiết của các Cựu chiến binh. Ngày 20/9 /1990, thường vụ Đảng uỷ xã đã ra quyết định số 52/QĐ-ĐU, chỉ định 7 đồng chí vào Ban Chấp hành lâm thời hội Cựu chiến binh xã. Ngày 28 /9/ 1990 Đại hội Cựu chiến binh xã lần thứ nhất được tổ chức. Đại hội đã bầu ban chấp hành gồm 7 đồng chí; đồng chí Trung tá Nguyễn Bá Tung được bầu làm Chủ tịch hội. Số hội viên được kết nạp đợt đầu gồm 50 đồng chí (đại tá 2, trung tá 4, thiếu tá 8, đại uý 4, số còn lại 32 đồng chí gồm từ thượng uý, trung uý, thiếu uý, hạ sỹ quan và chiến sỹ). Tổ chức hội Cự chiến binh ra đời là một lực lượng nòng cốt đã được tôi luyện qua các cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, nhiều đồng chí còn trẻ, hăng hái nhiệt tình; nhiều đồng chí đang giữ các cương vị công tác khác nhau ở địa phương được đảng bộ và nhân dân tin cậy.

Tuy mới thành lập nhưng hội Cựu chiến binh xã Hải Nam đã khẳng định vai trò vị trí của mình trong hoạt động chính trị - xã hội. hội đã có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền và các phong trào: giữ gìn trật tự trị an, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, thực hiện luật nghĩa vụ quân sự, việc làm tình nghĩa, giáo dục thanh thiếu niên; tổ chức sinh hoạt đều đặn và có nề nếp.

Hội nông dân Việt Nam tăng cường tuyên truyền giáo dục vận động nhân dân thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế chính trị xã hội đặc biệt nghị quyết 10 của Bộ chính trị. Quần chúng phấn khởi tin tưởng hăng hái lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình làm tròn nghĩa vụ đối với tập thể và nhà nước. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đảng bộ quan tâm giáo dục về phẩm chất, lý tưởng lối sống cách mạng cho thanh niên, động viên thanh niên hăng hái thực hiện nghĩa vụ quân sự, phát huy vai trò lực lượng xung kích trên mặt sản xuất hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hội liên hiệp phụ nữ Đảng bộ lãnh đạo thực hiện cuộc vận động xây dựng người phụ nữ  mới bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Giáo dục động viên các tầng lớp phụ nữ tích cực trong phong trào lao động sản xuất, tham gia quản lý kinh tế, xã hội, thực hiện bình đẳng nam nữ, nuôi con khoẻ dạy con ngoan, đi đầu trong công tác sinh đẻ có kế hoạch.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong mấy năm qua đã đi vào tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, thực hiện đoàn kết toàn dân vận động gửi tiền tiết kiệm, mua công trái xây dựng Tổ quốc, tham gia xây dựng quỹ bảo thọ.

Nhìn lại 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 4 (1986 -1990) Đảng bộ và nhân dân Hải Nam đáng tự hào với phong trào không dừng lại mà vẫn tiếp tục có bước phát triển, trong điều kiện có những khó khăn chung với những khó khăn của cả nước. Những thắng lợi ấy đánh dấu một bước quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, với tinh thần đổi mới của đại hội VI và các nghị quyết của ban chấp hành Trung ương Đảng thì Đảng bộ Hải Nam còn phải phấn đấu quyết liệt mới vượt qua được những mặt yếu kém để vươn lên trong những giai đoạn tiếp theo.

          II. ĐẢNG BỘ HẢI NAM LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ XÃ HỘI 5 NĂM 1991-1995:

          Trong 5 năm từ 1991 đến 1995, Đảng bộ Hải Nam đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân thực hiện Nghị quyết của 2 nhiệm kỳ Đại hội: Đại hội Đảng bộ xã Hải Nam lần thứ XXIII- nhiệm kỳ 1991-1994 và Đại hội lần thứ XXIV nhiệm 1994-1996. Ngày 22/5/1990, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 59-CT/TW về việc mở Đại hội các cấp. Trung ương chỉ đạo ở cấp huyện và cơ sở tổ chức đại hội làm 2 vòng. Ngày 19 tháng 3 năm 1991 Đại hội Đảng bộ xã Hải Nam lần thứ XXIII- nhiệm kỳ 1991-1994 (vòng 1) đã khai mạc. Trong 2 ngày, Đại hội đã đóng góp ý kiến, thảo luận và thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ vào dự thảo các văn kiện của Trung ương sẽ trình Đại hội VII của Đảng; bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI gồm 7 Đại biểu chính thức và 1 dự khuyết dự. 

         Từ ngày 24 đến 27/6/1991, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII của Đảng long trọng khai mạc. Với chủ đề: Trí tuệ, đổi mới, dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, Đại hội đã tổng kết 5 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội VI đề ra, đồng thời điều chỉnh bổ sung và phát triển đường lối đổi mới. Đại hội kêu gọi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đoàn kết vượt qua khủng hoảng kinh tế xã hội để tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới đất nước tiến lên vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ văn minh.

Sau đại hội VII của Đảng, ngày 16/7/1991 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị số 01-CT/TW và tiếp theo ngày 22/7 Trung ương ra thông tri số 01-TT/TW hướng dẫn mở đại hội Đảng các cấp (vòng 2 ).

Tháng 10 năm 1991, Đại hội Đảng bộ xã Hải Nam lần thứ XXIII(vòng 2) nhiệm kỳ 1991-1994 đã khai mạc. Theo hướng dẫn của Trung ương Đảng, các đại biểu dự đại hội vòng 1 thì nay tiếp tục là đại biểu đương nhiên ở vòng 2.

            Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 15 đồng chí. Đồng chí Đoàn Thọ Hiển được bầu làm Bí thư Đảng uỷ, đồng chí Lê Văn Nhuyên - Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ, đồng chí Trần Hưng Hiển - Phó Bí thư phụ trách khối chính quyền, đồng chí Trần Văn Đán - uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ- Phó Chủ nhiệm HTX Hồng Phong, đồng chí Trần Tiến Dũng -  uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ - phụ trách khối nội chính. Tháng 6 năm 1993 đồng chí Đoàn Thọ Hiển nghỉ công tác, đồng chí Lê Văn Nhuyên đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng uỷ. Tháng 8 năm 1993, bổ sung đồng chí Trần Xuân Ruyến đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ.      

         Ngày 6/5/1994 theo hướng dẫn của Huyện uỷ, Đảng bộ Hải Nam đã tổ chức Đại hội lần thứ XXIV nhiệm 1994-1996. Số đảng viên được triệu tập là 467 đồng chí (trong đó có 2 dự bị). Khi bầu cử, số lượng đảng viên chính thức có mặt 363, vắng mặt 102 (trong đó có 47 đồng chí diện miễn sinh hoạt). Số lượng uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ được Đại hội biểu quyết là 15 người. Đại hội tiến hành bầu vòng đầu được 14 đồng chí. Ngày 26/5/1994, Ban chấp hành Đảng bộ họp phiên thứ nhất đã bầu đồng chí Lê Văn Nhuyên làm Bí thư Đảng uỷ, đồng chí Trần Xuân Ruyến đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ, đồng chí Lê Đức Huy - uỷ viên Thường vụ. Ngày 28/7/1994,  Ban chấp hành Đảng bộ họp phiên thứ 2 đã bầu bổ sung đồng chí Vũ Cao Bàn - Chủ nhiệm HTX Hồng Phong và đồng chí Mai Khải Hoàn - Chủ nhiệm HTX Trà Trung vào Ban Thường vụ, đồng thời bầu bổ sung đồng chí Lê Đức Huy - uỷ viên Thường vụ đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư - Chủ tịch UBND xã.

          Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII đã đề ra phương hướng chủ yếu trong 3 năm 1991-1994 là: Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, mở rộng ngành nghề, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh tổng hợp. Từng bước ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật; ưu tiên cơ sở vật chất phục vụ thâm canh cây lúa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước chuyển đổi và hoàn thiện cơ chế khóan mới theo tinh thần Nghị quyết 10 của Bộ chính trị. Tăng cường quản lý kinh tế-xã hội, kiên quyết loại bỏ các tiêu cực, xây dựng nếp sống văn minh gia đình văn hóa mới. Thực hiện nghiêm mọi nghĩa vụ với nhà nước. Tăng cường quốc phòng an ninh. Giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh, Chính quyền vững mạnh, các đoàn thể tiên tiến. Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV nhiệm 1994-1996 tiếp tục xác định sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh, Chính quyền vững mạnh, các đoàn thể tiên tiến; đồng thời Đại hội đã quyết định các chỉ tiêu cơ bản: Giữ vững năng suất 120-125 tạ/ha, bình quân lương thực 600-650 kg/người/năm. Đàn lợn 3500-4000 con, trong đó lợn nái 700-1000 con, tổng sản lượng thịt lợn hơi 300 tấn/năm. Ngân sách xã thu thường xuyên trên 200 triệu đồng/năm. Tỉ lệ phát triển dân số năm 1994 là 1,6%; năm 1995 là 1,4%. Tăng cường Quốc phòng, An ninh. Xây dựng Đảng bộ ngày càng vững mạnh, Chính quyền giỏi toàn diện, các đoàn thể tiên tiến.

         Ngay sau các Đại hội, Ban chấp hành Đảng bộ tiến hành thảo luận thông qua qui chế, xây dựng chương trình hoạt động toàn khóa, phân công uỷ viên Ban chấp hành phụ trách cơ sở và phụ trách từng lĩnh vực công tác, đoàn kết cán bộ đảng viên và nhân dân hiện thực hóa Nghị quyết vào cuộc sống.

          Ngày 19/8/1991, mô hình CNXH kiểu tập trung quan liêu bao cấp ở Liên xô và các nước Đông Âu tan vỡ, bối cảnh Quốc tế không có lợi cho Chủ nghĩa xã hội, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nước ta chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế. Trong hoàn cảnh đó, Đảng bộ và nhân dân Hải Nam vẫn kiên định con đường XHCN, đồng thời vận dụng  sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, đoàn kết, tự lực tự cường, năng động, từng bước thích ứng với cơ chế mới và đã giành những thắng lợi toàn diện về kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện.

Ngày 15/02/1992, UBND tỉnh Hà Nam Ninh ra Quyết định số 115; Huyện uỷ Hải Hậu ra Nghị quyết số 03 và UBND huyện ban hành Đề án số  68 nhằm điều chỉnh cơ chế khóan 10, tiếp tục đổi mới quản lý Hợp tác xã nông nghiệp. Nhà nước thống nhất thông qua HTX để giao quyền sử dụng ruộng đất ổn định cho hộ xã viên.

Quá trình hoạt động của HTX nông nghiệp Nam Sơn về quy mô thì phù hợp với điều kiện xã hội hiện tại. Song thực tế còn nhiều bất cập: Trình độ quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ chưa cân xứng với quy mô HTX lớn, chưa phát huy được tiềm năng thế mạnh của cơ sở, tư tưởng cục bộ địa phương, tình trạng nợ, đọng sản phẩm kéo dài. Quỹ vốn HTX bị chiếm dụng ngày một tăng, sản xuất chậm phát triển. Căn cứ vào nội dung biên bản Đại hội đại biểu xã viên HTX nông nghiệp Nam Sơn ngày 06/5/1992 đề nghị của HĐND và kỳ họp thứ 10 khóa XIV ngày 22/5/1992, tờ trình của UBND xã ngày 22/5/1992, biên bản của hội nghị Đảng bộ ngày 16 / 5/ 1992, tờ trình của UBND huyện Hải Hậu ngày 22 / 5/ 1992 và 2 văn bản của Huyện uỷ Hải Hậu ngày 09 /6 /1992 và ngày 18 /6 /1992. Sau khi có ý kiến chỉ đạo cụ thể của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh. Ban kinh tế tỉnh uỷ có thông báo số 24/CV-KT ngày 26  /6 /1992 và quyết định số 56 / QĐ-UB ngày 01/7/1992 của UBND huyện Hải Hậu. HTX Nam Sơn được tổ chức lại thành 3 HTX nông nghiệp có con dấu và tư cách pháp nhân.

+ HTX nông nghiệp Trà Trung gồm 7 đội sản xuất số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 19 của HTX nông nghiệp Nam Sơn cũ.

+ HTX nông nghiệp Hùng Sơn gồm 7 đội gồm đội sản xuất số 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 của HTX nông nghiệp Nam Sơn cũ.

+ HTX nông nghiệp Hồng Phong gồm 6 đội sản xuất là 14, 15, 16, 17, 18, 20 của HTX nông nghiệp Nam Sơn cũ.

Diện tích canh tác, nhân hộ khẩu lao động của 3 HTX mới thành lập được giữ nguyên hiện trạng theo đội sản xuất cũ.

Dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ, Đại hội đại biểu xã viên các HTX lần thứ nhất nhiệm kỳ 1992-1994 đã khẩn trương triển khai trong tháng 7/1992, kiện toàn ban quản trị, ban kiểm soát và cán bộ chuyên môn để tiếp tục quản lý điều hành kinh tế HTX. Mỗi xóm một đội sản xuất duy trì 1 đội trưởng để quản lý điều hành và làm công tác thanh toán với xã viên trong đội.

+ Đồng chí Mai Khải Hoàn nguyên phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Nam Sơn được bầu là Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Trà Trung.

+ Đồng chí Lê Văn Hào nguyên phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Nam Sơn được bầu là Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hùng Sơn.

+ Đồng chí Vũ Cao Bàn nguyên Chủ nhiệm HTX Nam Sơn được bầu làm Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hồng Phong.

Đây là một bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi về công tác quản lý, về cách nghĩ, cách làm, thực sự phát huy thế mạnh, tiềm năng và tinh thần tự chủ của xã viên trong từng HTX.

Căn cứ vào nghị quyết Đảng bộ lần thứ 23, Đại hội các HTX nông nghiệp trên tinh thần dân chủ và quyết tâm cao của cán bộ và xã viên đã xây dựng nghị quyết tập trung vào 2 nội dung lớn.

- Xây dựng công trình điện.

- Cải tạo nâng cấp hệ thống đường trục thôn.

Qua các kỳ đại hội, phát huy được sức mạnh của lòng dân 2 công trình lớn từng bước được hoàn thành.

* Công trình điện:

+ HTX Trà Trung hoàn thành tháng 12/1992 với giá trị 197.283.495 đồng.

+ HTX Hùng Sơn hoàn thành tháng 4/1993 với giá trị là 151.229.469 đồng.

+ HTX Hồng Phong hoàn thành tháng 4/1994 với giá trị 363.631.038 đồng.

Ngày 14/7/1993, Quốc hội thông qua Luật đất đai; ngày 27/9/1993, Chính phủ ban hành Nghị định 64/CP về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định vào mục đích sản xuất. Thực hiện Luật đất đai và Nghị định của Chính phủ, huyện và xã đã chỉ đạo giao hết đất nông nghiệp đang sử dụng cho hộ gia đình, trừ đất giao cho các tổ chức, đất chuyên dùng cho nhu cầu công ích của xã.

Thực hiện chủ trương trên, Đảng uỷ đã thành lập Ban chỉ đạo, đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Chủ nhiệm các hợp tác xã làm Phó ban. Các chi bộ tiến hành sinh hoạt bàn biện pháp thực hiện. Hợp tác xã tiến hành điều tra nhân khẩu, đất đai, kiểm kê tài sản; đội sản xuất tổ chức xã viên học tập, bàn bạc dân chủ, công khai ở các đội sản xuất; tổ chức đại hội Đại biểu xã viên thông qua đề án, bàn bạc và biểu quyết tạo sự thống nhất từ trong Đảng ra đến nhân dân về việc giao ruộng sản xuất lâu dài cho hộ xã viên. Thực hiện Đề án 68, đất canh tác ở Hải Nam chia làm 2 loại: Đất giao khóan sử dụng lâu dài, đất dự trữ giao khóan ngắn hạn. Toàn xã với tổng diện tích đất trồng lúa 1.051 mẫu trong đó HTX quản lý 931.09 mẫu. Được chia làm 2 vòng:

- Vòng 1: 773.76 mẫu bằng 83 %, giao ổn định lâu dài cho khẩu nông nghiệp.

- Diện tích còn lại vòng 2 giao cho các HTX và UBND xã tổ chức đấu thầu.

Do đặc điểm của 3 HTX được tổ chức theo quy mô của 3 thôn nên bình quân diện tích giao ổn định bình quân khẩu khác nhau:

+ HTX Trà Trung 338 m2 / khẩu

+ HTX Hùng Sơn 414 m2 / khẩu

+ HTX Hồng Phong 396 m2 / khẩu

       Cuối năm1993, các HTX nông nghiệp Hồng Phong, Hùng Sơn, Trà Trung tiến hành Đại hội nhiệm kỳ, triển khai khóan vốn quỹ cho Ban quản trị, quy định các quỹ thu thường xuyên gồm: công ích, phát triển sản xuất và quỹ quản lý. Ban quản trị HTX được kiện toàn tinh giản gồm có Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Kế toán và mỗi xóm có 1 Đội trưởng. Những năm 1991-1993 giá cả biến động, vật tư tiền vốn thiếu thốn, thời tiết diễn biến phức tạp, đầu vụ chiêm xuân thường rét đậm kéo dài làm ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp. Đứng trước thực tế đó, Đảng uỷ đã chỉ đạo các HTX tiếp tục cải tiến quản lý, hoàn thiện cơ chế khóan theo tinh thần Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị , tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời các HTX cùng với xã viên đầu tư tu sửa công trình thuỷ nông, thuỷ lợi nội đồng, chủ động nguồn vật tư phân bón, thuốc trừ sâu đảm bảo chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật kịp thời vụ, đảm bảo các vật tư tiền vốn phục vụ sản xuất. Do tác động tích cực của chính sách giao khóan ruộng sản xuất và những cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật nên năng suất lúa của Hải Nam năm 1991 giữ vững 88,5 tạ/ha, năm 1992 đạt 97,5 tạ/ha, năm 1993 đạt 105,3 tạ/ha. Năm 1994, vụ chiêm xuân dàn lúa IR-17494 bị nhiễm sâu đục thân nặng, các HTX đã chủ động vật tư và hướng dẫn kịp thời cho xã viên hạn chế thiệt hại. Năng suất lúa cả năm 1994 của HTX Hồng Phong đạt 110 tạ/ha, HTX Hùng Sơn đạt 106 tạ/ha, HTX Trà Trung đạt 104,5 tạ/ha. Từ vụ mùa năm 1995, thực hiện Hướng dẫn số 30 ngày 14/5/1995 của UBND huyện về điều chỉnh quỹ đất nông nghiệp còn để lại dự trữ khi thực hiện Đề án 68 cho phù hợp với Luật đất đai năm 1993.  Hợp tác xã đã thực hiện giao ruộng cho những khẩu phát sinh sau khi thực hiện Đề án 68. Đến tháng 12/1995 cơ bản đã hoàn thành việc điều chỉnh ruộng đất theo Hướng dẫn số 30 của UBND huyện và quyết định số 990 của UBND tỉnh chỉ để lại 5% quỹ đất công giao cho UBND xã quản lý để xây dựng ngân sách xã. Năm 1995, năng suất lúa bình quân toàn xã đạt 108,7tạ/ha. Mỗi năm xã viên đóng góp cho Nhà nước từ 60 đến trên 90 tấn thóc. Bình quân lương thực đầu người đạt 520kg/năm đã cơ bản giải quyết được vấn đề lương thực cho nhân dân địa phương và dành một phần để thúc đẩy chăn nuôi phát triển.

Cùng với thâm canh cây lúa, diện tích cây màu tiếp tục được giữ vững. Cây rau màu các loại được nhân dân tận dụng các gồ vườn cấy xen canh giữa cây rau, cây ngô, khoai; vụ xuân hè, vụ đông cấy xen canh trên chân ruộng  mạ và ruộng 2 lúa, tổng diện tích cây vụ đông toàn xã trong 5 năm đạt 88,5 mẫu (bình quân 29,5 mẫu/HTX/năm). Từ năm 1995, một số hộ xã viên mạnh dạn tăng diện tích cây màu trên chân ruộng 2 lúa, thực hiện thâm canh 3 vụ, thu hoạch từ cây màu hàng chục triệu đồng/hộ/năm.

Đi đôi với trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi được nhân dân quan tâm đầu tư đàn lợn nái sinh sản: Tổng đàn lợn hàng năm đạt 2870 con, trong đó lợn nái 919 con. Chăn nuôi gia cầm trong các gia đình phát triển mạnh, đàn gia cầm khoảng trên 9.000 con các loại như: gà công nghiệp, vịt, thỏ nhiều hộ nuôi quy mô vừa và nhỏ đã cho thu nhập cao.

Ngành nghề ở xã thời kỳ này bước đầu có sự phát triển dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Các phương tiện, công cụ phục vụ sản xuất của tư nhân đã bắt đầu xuất hiện như: máy tuốt lúa, máy xay sát, thuyền vận tải, máy cày nhỏ. Buôn bán dịch vụ phát triển ở khu trung tâm xã và một số hộ ven đường xã từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của sản xuất và đời sống nhân dân.

Kinh tế có sự tăng trưởng đã tạo điều kiện cải thiện đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Đến năm 1995, bình quân lương thực 550 kg/ người/năm, 70% hộ có nhà xây mái ngói, mái bằng; bình quân 22 hộ có 1 xe máy, 18 hộ có 1 ti vi, số hộ nghèo giảm còn khoảng 14 %.

Những năm 1991-1995, kinh tế có chuyển biến mới nhưng việc chuyển đổi theo mô hình dịch vụ trong quản lý kinh tế của HTX còn lúng túng, chưa chủ động nguồn vật tư và giống cây trồng vật nuôi. Trong một bộ phận nông dân còn nặng tâm lý độc canh cây lúa, một số hộ xã viên khê đọng sản phẩm nhưng chậm được khắc phục. ngành nghề tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển, lao động thiếu việc làm lúc nông nhàn ngày một tăng.

Công tác kiến thiết xây dựng cơ bản trong 5 năm 1991-1995 tập trung đầu tư cho giáo dục, hệ thống điện, đường giao thông và thuỷ lợi. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, tính đến cuối năm 1995 địa phương đã đầu tư gần 1 tỷ đồng  từ nguồn vốn của ngân sách xã, HTX và nhân dân đóng góp phục vụ công tác kiến thiết xây dựng cơ bản: Đầu tư 293.883.000 đồng xây sửa nhà trẻ,  phòng học trường Tiểu học, THCS. Đầu tư 176 triệu xây trạm Y Tế xã. Xây mới cầu, cống phục vụ sản xuất và dân sinh. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa  trong việc cưới, việc tang và lễ hội được chỉ đạo chặt chẽ. Các hiện tượng mê tín dị đoan và các hành vi lợi dụng tôn giáo bị phê phán. Đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường, đa số các  xóm có 1 cán bộ y tế kiêm nhiệm, thường xuyên vận động nhân dân làm tốt công tác phòng bệnh, tiêm chủng mở rộng và công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình. Từ cuối năm 1992, Huyện uỷ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 05 về công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, đối với đảng viên sinh con từ thứ 3 trở lên nếu không tự giác thực hiện biện pháp đình sản thì  phải đưa ra khỏi Đảng bằng các hình thức: Khai trừ, xóa, rút khỏi danh sách đảng viên. Thực hiện chỉ thị trên, Đảng uỷ đã tổ chức phổ biến tới toàn thể đảng viên trong Đảng bộ để cán bộ và đảng viên gương mẫu thực hiện đồng thời vận động nhân dân đồng tình hưởng ứng. Năm 1993, tỷ lệ phát triển dân số là 1,69%; tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên là 23,5%. Đến cuối năm 1994, tỉ lệ phát triển dân số là 1,26% và đến năm 1995 là 1,37%, nhưng tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên vẫn tăng là 23,8%.

Năm học 1992-1993, xã đã hoàn thành việc tách trường cấp 1 và cấp 2 thành trường Tiểu học và Trung học cơ sở.

Ngày 25/5/1993, Ban chấp hành Đảng bộ huyện ra Nghị quyết số 08-NQ/HU về 1 số nhiệm vụ giáo dục đào tạo, Phòng giáo dục xây dựng đề án phát triển giáo dục giai đoạn 1995- 2000. Thực hiện Nghị quyết của huyện, trong 5 năm từ 1991-1995 xã đã đầu tư gần 300 triệu đồng để xây sửa, mua sắm bàn ghế cho các ngành học, chất lượng giáo dục được giữ vững. Tuy vậy, cơ sở vật chất các ngành học chưa đáp ứng yêu cầu, học sinh thi đỗ vào các trường THPT chưa cao.

Các chính sách xã hội được Đảng uỷ, UBND xã quan tâm thực hiện, hàng năm xã đã trích ngân sách hàng chục triệu đồng cùng với sự ủng hộ của nhân dân đã tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình thương binh liệt sĩ, người già cả cô đơn không nơi nương tựa nhân dịp lễ tết. Công tác Quốc phòng-An ninh những năm 1991-1995, trên phạm vi cả nước tiếp tục có những khó khăn do các thế lực thù địch CNXH tăng cường thực hiện âm mưu “ Diễn biến hoà bình”. Đứng trước bối cảnh đó, Đảng uỷ đã chỉ đạo chính quyền, các ban ngành đoàn thể ở địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của huyện, đồng thời làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về âm mưu "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch đi đôi với phát động nhân dân đẩy mạnh phong trào toàn dân tấn công trấn áp các loại tội phạm giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương; xây dựng thế trận an ninh nhân dân trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với cuộc vận động xây dựng thôn xóm bình yên gia đình hoà thuận. Thực hiện chỉ thị 135 của Hội đồng Bộ trưởng, xã đã xây dựng trung đội an ninh, tổ chức tuần tra, canh gác, kiểm tra, kiểm soát ở các khu vực trọng điểm từ 22h 30 đến 5h sáng góp phần cùng toàn dân giữ vững an ninh nông thôn.

Cùng với công tác an ninh, xã đã quan tâm làm tốt công tác quân sự địa phương. Tổ chức biên chế lực lượng dân quân tại chỗ đảm bảo tỷ lệ gần 10% dân số. Năm 1993, Ban chỉ huy Quân sự  xã đã tham mưu tổ chức diễn tập mật danh LX93: chống bạo loạn và đánh địch vu hồi đường sông.Thành phần tham dự cuộc diễn tập gồm: 1 Trung đội dân quân thực binh và các đồng chí cán bộ chủ chốt, cấp uỷ chi bộ, các cán bộ đoàn thể của xã. Hằng năm tổ chức đăng ký thanh niên tuổi 17 , thực hiện khám tuyển 1 vòng, giao quân 1 đợt đủ chỉ tiêu cả năm.Trong 5 năm 1991-1995 đã tiễn 101 thanh niên lên đường nhập ngũ hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự, công tác quân sự địa phương đạt danh hiệu quyết thắng.

Công tác xây dựng Đảng những năm 1991-1995 tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII và Nghị quyết số 06 của Huyện uỷ ban hành tháng 6 năm 1992 về “ một số nhiệm vụ đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ” ; Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành ngày 19/11/1992  về tổ chức phê bình, tự phê bình trong Đảng ; Nghị quyết số 01 của Huyện uỷ ban hành ngày 2/5/1993 về một số nhiệm vụ đổi mới, tăng cường công tác tư tưởng văn hóa trong tình hình mới.

Công tác tư tưởng của Đảng bộ trong bối cảnh khủng hoảng của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô cùng những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới vào thời điểm 1990 – 1991 gặp nhiều khó khăn. Đa số Đảng viên trong Đảng bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng nhưng cũng có một số  cán bộ đảng viên dao động băn khoăn lo lắng. Trước thực trạng đó, Đảng uỷ đã kịp thời thông tin đến Đảng viên và quần chúng những quan điểm chính thống của Đảng về  nguyên nhân sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu tập trung-kế hoạch hóa quan liêu bao cấp ở Đông Âu và Liên Xô, về âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Đồng thời tổ chức cho toàn Đảng bộ quán triệt, nghiên cứu những nội dung cơ bản của cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Nghị quyết Đại hội VII của Đảng, kiên trì con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, khẳng định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu-nước mạnh-xã hội công bằng-văn minh. Công tác tư tưởng được tiến hành theo phương châm mở rộng thông tin nhiều chiều, đa dạng, đảm bảo tính trung thực, chính xác, kịp thời; tăng cường công tác tuyên truyền miệng thông qua hoạt động báo cáo viên và tài liệu báo, tạp chí của Đảng.Tháng 12 năm 1990, Đảng bộ xuất bản sách Lịch sử Đảng bộ xã Hải Nam (sơ thảo từ năm 1930 đến 1990) góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong 5 năm từ 1991-1995 đã cử 21 đảng viên đi học lý luận chính trị phổ thông, 13 đoàn viên ưu tú đi học đối tượng đảng và đã kết nạp 9 đồng chí vào Đảng.

             Tháng 6 năm 1992, Đảng uỷ đã phát động cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hải Nam hưởng ứng đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề “ Giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, pháp luật của nhà nước, kiên quyết ngăn chặn tệ vô tổ chức, vô kỷ luật” theo tinh thần Chỉ thị số 100 của Ban Bí thư Trung ương và bài phát biểu của Tổng Bí thư Đỗ Mười ngày 30/5/1992. Tiếp đến tháng 12/1992, Đảng uỷ tổ chức thực hiện Chỉ thị số 14- ngày 19/11/1992 của Ban Bí thư Trung ương về tổ chức phê bình, tự phê bình trong Đảng. Thực hiện hướng dẫn của huyện, Đảng uỷ đã xây dựng chương trình công tác, tổ chức quán triệt khẩn trương, nghiêm túc, không làm lướt, không chiếu lệ; chọn 2 chi bộ làm điểm tự phê bình và phê bình với tinh thần xây dựng, không xen động cơ cá nhân, cấp uỷ kiểm điểm sự lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chỉ rõ khuyết điểm cá nhân, tập thể, xây dựng kế hoạch sửa chữa. Đến cuối tháng 12/1992 toàn Đảng bộ hoàn thành đợt tự phê bình và phê bình, kết quả phân loại đảng viên năm 1992 có 61% đảng viên loại 1 và 13/21 chi bộ vững mạnh.

         Năm 1993, triển khai thực hiện cuộc vận động tự đổi mới tự chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII ), Đảng uỷ đã tổ chức cho cán bộ đảng viên học tập, nghiên cứu nghị quyết và các văn bản hướng dẫn của cấp trên. Tiến hành tự phê bình và phân loại đảng viên, các cấp uỷ viết bản kiểm điểm nêu rõ ưu, khuyết điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, trách nhiệm của cá nhân mỗi cấp uỷ. Đối với cá nhân đảng viên tự phê bình về ý thức học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, ý thức tổ chức kỷ luật, thực hiện nhiệm vụ đảng viên, về đạo đức lối sống và quan hệ với quần chúng nhân dân. Năm 1993, tổng số đảng viên của Đảng bộ gồm 467 đồng chí, 420 đồng chí dự phân loại, trong đó có:  230 đảng viên xếp loại 1, loại 2 là 164, loại 3 là 16 và 10 đảng viên xếp loại 4. Năm 1994, tổng số đảng viên của Đảng bộ gồm 472 đồng chí, 427 đồng chí dự phân loại, trong đó có:  247 đảng viên xếp loại 1, loại 2 là 154, loại 3 là 16, loại 4 là 8 đồng chí và 14/21chi bộ vững mạnh, 6/21 khá, 1 chi bộ yếu kém. Năm 1995, tổng số đảng viên của Đảng bộ gồm 470 đồng chí, 445 đồng chí dự phân loại, trong đó có:  342 đảng viên xếp loại 1, loại 2 là 83, loại 3 là 12 và 8 đảng viên xếp loại 4. Thực hiện cuộc vận động xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh, Đảng uỷ đã chỉ đạo giữ vững nền nếp, cải tiến nội dung sinh hoạt và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Hàng năm Đảng uỷ đã tiến hành rà soát và bổ sung quy hoạch cán bộ mỗi chức danh  đều có cán bộ dự nguồn, đồng thời căn cứ vào kết quả công tác thực tiễn và phẩm chất đạo đức để bố trí đội ngũ cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

         Công tác kiểm tra được thực hiện theo đúng quy định của Điều lệ đảng, chú trọng kiểm tra Đảng viên chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, chấp hành quy chế làm việc của cấp uỷ. Từ năm 1991 đến 1994 đã xử lý kỷ luật khai trừ 3 đảng viên, xoá tên 11 đảng viên.Từ năm 1994 đến cuối năm 1995 đã xử lý kỷ luật khai trừ 1 đảng viên, cảnh cáo 2,  xoá tên 3 đảng viên và cho rút 4 đảng viên.

Ngày 19/4/1992, Đảng uỷ đã tổ chức cho nhân dân trong xã đi bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa IX. Cuộc bầu cử được tiến hành an toàn, đúng luật.

 Ngày 20/11/1994, Đảng bộ và nhân dân Hải Nam tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Đã bầu đủ 23 Đại biểu Hội đồng nhân dân xã nhiệm kỳ 1994-1999. Tại kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân xã bầu đồng chí Lê Văn Nhuyên là Chủ tịch Hội đồng nhân dân, đồng chí Đỗ Thanh Chương -  Phó chủ tịch HĐND, đồng chí Lê Đức Huy - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, các chức danh Uỷ ban nhân dân xã được kiện toàn theo luật định. Quán triệt và triển khai Nghị quyết 8B (khóa VI) năm 1990 về đổi mới công tác vận động quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân; từ năm 1991, Đảng uỷ đã chỉ đạo từng bước đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác vận động quần chúng. Thường xuyên kiện toàn đội ngũ cán bộ gắn với củng cố tổ chức các đoàn thể từ xã đến xóm  và tạo điều kiện về kinh phí cho các đoàn thể hoạt động. Mặt trận Tổ quốc xã đã phối kết hợp với các tổ chức thành viên phát động và tổ chức thực hiện tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Chủ trì thực hiện các cuộc vận động  xây dựng quỹ tình nghĩa và quỹ từ thiện nhân đạo. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã thu hút trên 60% thanh niên vào tổ chức của Đoàn, đồng thời tiếp tục phát động phong trào: Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc, chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Động viên thanh niên thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự, xung kích trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hội phụ nữ  thi đua thực hiện 2 cuộc vận động và 5 chương trình trọng tâm công tác: Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình và nuôi con khoẻ dạy con ngoan, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ em bỏ học. Cùng với các chương trình công tác , Hội phụ nữ đã thu hút từ 1600 đến 2000 phụ nữ tham gia sinh hoạt, thường xuyên giáo dục, động viên các tầng lớp phụ nữ tích cực lao động sản xuất tham gia công tác xã hội, thực hiện công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình.

Hội nông dân đẩy mạnh  thực hiện phong trào thi đua làm giàu, yêu nước; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua làm giàu yêu nước, phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa và xây dựng nông thôn mới.

Hội Cựu chiến binh từ 50 hội viên ban đầu, đến năm 1995 đã có trên 300 hội viên. Hội thường xuyên duy trì phong trào thi đua xây dựng hội vững mạnh, hội viên CCB gương mẫu và gia đình CCB văn hóa, phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hàng năm Hội CCB xã đạt danh hiệu vững mạnh và được Huyện hội xếp loại có phong trào khá.

5 năm (1991-1995), Đảng bộ và nhân dân xã Hải Nam đã đoàn kết, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt được những thành tựu mới trong phát triển kinh tế - xã hội; đời sống nhân dân được cải thiện, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể có chuyển biến tích cực. Những kết quả đó đã tạo tiền đề quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Hải Nam bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

             III. ĐẢNG BỘ XÃ HẢI NAM TRONG SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN (1996 - 2005):

             1-Đảng bộ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn theo đường lối đổi mới (1996-2000).

Ngày 09/3/1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị số 51 về việc mở Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII.

 Ngày12 tháng 01 năm 1996, Đại hội Đảng bộ xã Hải Nam lần thứ XXV đã long trọng khai mạc. Đây là đại hội đầu tiên ở cơ sở nhiệm kỳ 5 năm thay cho nhiệm kỳ 2 năm rưỡi trước đây và cũng là đại hội của thời kỳ đất nước bắt đầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo đường lối đổi mới. Đại hội đã thông qua ý kiến đóng góp của Đảng bộ và nhân dân vào các văn kiện dự thảo của Trung  ương sẽ trình đại hội VIII của Đảng, các dự thảo báo cáo của Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội đảng bộ huyện lần thứ XXII. Sau 2 ngày làm việc, Đại hội đã quyết định phương hướng nhiệm vụ chủ yếu trong 5 năm 1996-2000 là:  Tăng cường đoàn kết, thống nhất ý chí hành động, khai thác tốt hơn mọi tiềm năng, phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm tiếp tục ổn định và phát triển kinh tế toàn diện. Xác định sản xuất nông nghiệp là mặt trận hàng đầu. Tập trung phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa mở rộng ngành nghề, dịch vụ, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tích cực xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ổn định và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Giữ vững và phát huy danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh, chính quyền giỏi toàn diện, các đoàn thể nhân dân tiên tiến. Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ gồm 15 đồng chí. Đồng chí Lê Văn Nhuyên tiếp tục được bầu tái cử chức vụ Bí thư Đảng uỷ, đồng chí Vũ Cao Bàn - Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ, đồng chí Lê Đức Huy - Phó Bí thư - Chủ tịch UBND xã. Các đồng chí: Mai Quang Trung - uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ - Phó Chủ tịch UBND xã, Trần Trọng Đại - uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ - Quyền Chủ nhiệm HTX Trà Trung.

          Ngày 22 tháng 6 đến ngày 01/7/1996, Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã thành công tốt đẹp. Đại hội đề ra nhiệm vụ chặng đường đầu của thời kỳ quá độ lên CNXH là chuẩn bị tiền đề mọi mặt để chuyển đất nước sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Quán triệt tinh thần nghị quyết đại hội VIII của Đảng và căn cứ đặc điểm của địa phương, Đảng bộ Hải Nam đã xây dựng chương trình hành động, trước hết tập trung các biện pháp phát triển kinh tế.

Trong sản xuất nông nghiệp, Đảng uỷ đã chỉ đạo HTX tiếp tục hoàn thiện đổi mới cơ chế hoạt động theo luật HTX, triển khai kế hoạch số 29-KH/UB ngày 03/4/1996 của UBND huyện về việc tiếp tục cải tiến quản lý sản xuất nông nghiệp. Thực hiện việc chuyển đổi theo luật, mối quan hệ của HTX với xã viên theo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi. Hộ xã viên chủ động đầu tư sản xuất, sử dụng sản phẩm, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, thoả thuận sử dụng các dịch vụ của HTX. Đồng thời HTX xoá bỏ mọi bao cấp trong hoạt động, số lượng cán bộ quản lý HTX và đội sản xuất giảm 40% so với trước; HTX có tư cách pháp nhân như một doanh nghiệp, độc lập và chủ động  xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, tổ chức các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, quản lý và sử dụng vốn quỹ do đại hội xã viên giao khóan. Các tổ dịch vụ thuỷ nông, bảo vệ thực vật, cung ứng giống, dịch vụ điện được kiện toàn tiếp tục đảm bảo tốt các khâu dịch vụ.

Công tác thuỷ lợi được cấp uỷ, chính quyền thường xuyên quan tâm củng cố hệ thống đê bối sông Sò, nạo vét sông cấp 2, cấp 3, hệ thống bờ vùng bờ thửa, đảm bảo phòng chống lụt bão và tưới tiêu kịp thời. Trong 5 năm từ 1996 đến 2000 đã đào đắp nạo vét 42.174m3 đất với tổng đầu tư 126.510.000 đồng.

Năm 1996 và 1997 xã triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất cho xã viên yên tâm đầu tư  cải tạo khai thác tiềm năng đất đai, tăng năng xuất lao động và giá trị trên 1 đơn vị diện tích canh tác. Đến năm 2000, đã hoàn thành đề án quy hoạch đất đai đến 2013 đồng thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2293/2581 hộ (đạt 88,84%).

 Đi đôi với cải tiến quản lý, HTX tích cực hướng dẫn xã viên đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhất là việc chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ. Hàng năm HTX cung ứng các loại giống lúa theo cơ cấu: 70% Nhị ưu 838, khoảng 30% giống thuần Trung quốc đảm bảo chất lượng, kịp thời vụ, phù hợp với chất đất, trình độ thâm canh của nhân dân, đồng thời cung ứng đủ vật tư phục vụ sản xuất. Năng suất bình quân năm 1996-2000 đạt 120 tạ/ha, tăng 6,4 tạ/ha so với 5 năm trước nhưng chỉ đạt 96% so với chỉ tiêu đại hội XXV đã đề ra (120/125 tạ). Sản lượng thóc đạt 4.460 kg, tăng 5,1% so với 5 năm trước nhưng chỉ đạt 98% so với chỉ tiêu đại hội XXV. Bình quân lương thực 550 kg/ người/ năm.

Cùng với thâm canh cây lúa, các hộ gia đình đẩy mạnh phát triển kinh tế theo mô hình VAC. Hằng năm có trên 5% diện tích cây vụ đông trên chân ruộng 2 lúa tập trung ở đội 1,4,7,8,9,10,14,15,18 góp phần giải quyết lao động tại chỗ và nâng giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích. Một số gia đình đi đầu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, mở rộng chuồng trại chăn nuôi. Tổng đàn lợn bình quân 5 năm (1996-2000) đạt 2700 con, tăng 17% so với trước; đàn lợn nái  có 758 con, tăng 248 con so với năm1996. Tổng sản lượng lợn hơi xuất chuồng đạt 170 tấn, tăng 8,4% và vượt 8,9% so với năm 1996. Đàn gà công nghiệp, Ngan Pháp và việc đầu tư nuôi tôm xú bước đầu có sự nhân rộng ở Hải Nam. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Nhiều đơn vị giữ vững phong trào sản xuất, thanh toán giao nộp sản phẩm nhanh gọn, vụ chiêm năm 2000 tuy giá thuế cao hơn giá thị trường nhưng đa số các đội đều thanh toán đảm bảo đúng thời gian qui định, điển hình là đội: 1,2,4,7,9,11,14,15,18.

Đi đôi với sản xuất nông nghiệp, các HTX đã quan tâm khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Một số hộ xã viên làm kinh tế giỏi đã mở các tổ hợp làm nghề, hướng vào các nghề cơ khí, sản xuất công cụ lao động, sửa chữa máy móc thiết bị, thủ công mỹ nghệ, sản xuất các mặt hàng gỗ, may mặc, chế biến nông sản, dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Khuyến khích nhân dân mua các phương tiện vận tải phục vụ lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân. Đến năm 2000 toàn xã có 97% hộ gia đình nhà xây lợp ngói hoặc mái bằng, có 50% sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, bình quân 11 hộ có 1 xe máy, 3 hộ có 1 ti vi, 63 hộ có 1 máy điện thoại cố định. Một số hộ xã viên nợ sản phẩm cũ đã từng bước trả nợ, các HTX đã thu hồi được 23.146 kg thóc, bằng 82% tổng số phải thu. Số hộ nghèo còn khoảng 10%.

Tuy vậy, trong phát triển kinh tế việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa đáp ứng yêu cầu, ngành nghề chậm phát triển. Diện tích vụ đông trên chân ruộng 2 lúa đạt thấp, hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị canh tác chưa cao. Việc đổi mới quản lý của các HTX theo luật HTX còn bất cập.Thanh niên thiếu việc làm ngày càng tăng, tình trạng thiếu vốn sản xuất diễn ra phổ biến nhưng chưa có biện pháp khắc phục.

Về công tác xây dựng cơ bản, Đảng bộ và nhân dân Hải Nam đã tập trung đầu tư kiến thiết xây dựng các công trình trọng điểm bằng nguồn vốn ngân sách xã, vốn tích luỹ của HTX và nhân dân đóng góp.Từ năm 1996 đến 2000 đã đầu tư 1.107.354.354 đồng, trong đó nhân dân góp 340.614.000 đồng: Năm 1996, khởi công xây nghĩa trang liệt sỹ tại địa điểm mới và đến năm 1997 hoàn thành công trình với tổng đầu tư 654.996.756 đồng, xây trường THCS cao tầng, sửa chữa nâng cấp hội trường, nhà làm việc UBND và trạm y tế.

Thực hiện đề án giao thông do huyện phát động năm 1995, trong 5 năm từ 1996 đến năm 2000 xã đã đổ nhựa 5,68 km đường trục xã với tổng giá trị 1.381.395.961 đồng, trong đó nhân dân đóng góp 967.720.230 đồng, các HTX trích quỹ 134.075.731 đồng, cấp trên hỗ trợ 179.600.000 đồng. Cùng với đường trục xã, nhân dân các xóm đã góp 717.923.280 đồng làm đường bê tông xóm với tổng chiều dài trên 1,6 km.

 Công tác thu chi quản lý ngân sách theo pháp lệnh kế toán thống kê được quyết toán qua kho bạc và có sự giám sát của nhân dân. Tổng thu ngân sách xã bình quân hàng năm đạt 600 triệu đồng, trong đó thu thường xuyên đạt trên 300 triệu đồng/năm. Tuy vậy, nguồn thu thường xuyên không đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên, 1 số công trình phúc lợi đã xây xong nhưng ngân sách nợ bên thi công 450 triệu đồng chưa có nguồn thanh toán.

Năm 1996, hệ thống truyền thanh do HTX quản lý được chuyển giao cho UBND xã quản lý cơ sở vật chất, Đảng uỷ quản lý nội dung chương trình. Xã đã đầu tư 26.285.000đồng mua sắm, nâng cấp các thiết bị truyền thanh. Đội ngũ cán bộ và cộng tác viên được tăng cường, đảm bảo duy trì chế độ truyền thanh 4 cấp, phát tin địa phương 15 phút ngay sau chương trình của tỉnh và huyện.

Từ năm 1995, Đảng bộ và nhân dân Hải Nam thi đua hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” do Mặt trận phát động, cuộc vận động xây dựng làng văn hóa do Bộ văn hóa phát động và cuộc vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc do Bộ công an phát động. Năm 1996, các trường học, trạm y tế và xóm đăng ký xây dựng đơn vị xóm văn hóa, có trên 30% số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, 19/20 xóm hoàn thành việc xây dựng hương ước.

Sự nghiệp giáo dục được củng cố và phát triển toàn diện, thu hút trẻ em đến lớp đạt kế hoạch, không có học sinh bỏ học. Chất lượng văn hóa và đạo đức có tiến bộ rõ rệt. Trường Tiểu học và THCS đạt tiên tiến, trường Mầm non và giáo dục thường xuyên đạt loại khá của huyện. Năm học 1998- 1999, xã Hải Nam hoàn thành phổ cập THCS cho nhân dân. Trong 5 năm từ 1996-2000 đã đầu tư cơ sở vật chất các trường Mầm non, Tiểu  học, Trung học cơ sở  từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học.

 Ngày 28/9/1997, Hội Khuyến học của xã được thành lập ban đầu gồm 79 hội viên do ông Trần Xuân Ruyến làm Chủ tịch hội, cuối năm 1998 đồng chí Trần Xuân Phóng đảm nhiệm chủ tịch hội. Phong trào xã hội hóa giáo dục và khuyến học bước đầu phát triển. Quỹ khuyến học của xã ban đầu đã có trên 7 triệu đồng. Một số xóm, dòng họ xây dựng được quỹ khuyến học hàng năm trích thưởng cho học sinh giỏi và và học sinh nghèo vượt khó.

Công tác y tế, dân số, chăm sóc bảo vệ trẻ em có nhiều tiến bộ, các chương trình y tế cộng đồng, phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, nha khoa học đường, phòng chống mắt hột, truyền thông dân số, bảo hiểm y tế được triển khai thực hiện có kết quả. Trong 5 năm 1996 – 2000, không có dịch bệnh xảy ra, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao. Tỷ lệ phát triển dân số năm bình quân 5 năm là 0,98 %, tỷ lệ sinh con thứ 3 năm 1999 là 9,9% giảm 17,1% so với năm1996.

Từ năm 1996, hàng năm ngân sách xã đã chi gần chục triệu đồng thăm hỏi, trợ cấp gia đình chính sách, cấp sổ tình nghĩa cho gia đình chính sách. Đến năm 2000, các gia đình chính sách ở Hải Nam đều có mức sống ổn định từ trung bình trở lên.

          Tuy vậy, trong lĩnh vực văn hóa xã hội ở một số cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc quy chế nếp sống văn hóa, đám tang kèn trống lên loa quá giờ qui định, hiện tượng ăn uống, lễ nghi rườm rà. Tệ nạn xã hội gia tăng, nhất là nạn ma tuý gây lo ngại cho nhân dân. Phòng học và trang thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng dạy học, chưa chuyển được trường Tiểu học về khu trung tâm xã, tỉ lệ học sinh đỗ vào các trường THPT còn thấp, phong trào xã hội hóa giáo dục chưa được nhân rộng.

Công tác quốc phòng an ninh được tổ chức theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, Ban quân sự và  an ninh làm tham mưu. Đồng chí Bí thư Đảng uỷ kiêm chính trị viên xã đội. Hàng năm xã chủ động xây dựng kế hoạch tác chiến trị an, làm tốt công tác quản lý lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, huấn luyện hội thao kỹ thuật. Từ năm 1996 đến năm 2000 xã đã tiễn 92 thanh niên lên đường nhập ngũ. Các chính sách hậu phương quân đội và giải quyết chính sách được thực hiện nghiêm túc. Công tác quân sự tiếp tục giữ vững danh hiệu đơn vị quyết thắng. Công tác an ninh đã phối hợp chặt chẽ với công tác quân sự, phát huy vai trò các đoàn thể nhân dân, nhất là với Hội cựu chiến binh nhằm đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Lực lượng an ninh thực hiện theo nghị định 40/CP, toàn xã gồm có trưởng công an, 1 phó công an, 7 an ninh viên thường trực và 20 đồng chí  Phó xóm kiêm an ninh viên được biên chế thành trung đội. Ban công an xã hằng năm đều được huyện tặng giấy khen đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ an ninh trật tự. Tuy vậy, tình hình an ninh trật tự trong địa bàn xã diễn biến phức tạp, tệ nạn nghiện hút, đánh bạc gia tăng nhưng xử lý chưa nghiêm, chưa dứt điểm. Công tác khám  tuyển nghĩa vụ quân sự gặp nhiều khó khăn do thanh niên đi làm xa quê, việc xử lý những thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự chưa kịp thời và chưa nghiêm.

Thực hiện quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ được củng cố và kiện toàn theo hướng mở rộng các tổ chức thành viên và đưa công tác Mặt trận xuống địa bàn dân cư, tới từng hộ gia đình. Năm 1998, đảng bộ đã lãnh đạo, tổ chức triển khai chỉ thị 37-CT/TW của Ban bí thư Trung ương và chỉ thị 30-CT/TW của Bộ chính trị về công tác tôn giáo và quy chế dân chủ ở cơ sở, các kiến nghị của nhân dân được xem xét giải quyết, công khai hóa các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Công tác Mặt trận đã có nhiều hình thức mới, phù hợp để động viên nhân dân, các chức sắc tôn giáo, tín đồ tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng xứ họ đạo tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu, chùa tinh tiến, thực hiện các quy định của chính phủ về các hoạt động tôn giáo, phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị thông qua hiệp thương bầu cử HĐND các cấp, thực hiện phong trào tình nghĩa từ thiện nhân đạo, góp phần tạo ra các sinh hoạt tinh thần phong phú và lành mạnh.

Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện phong trào thanh niên thâm canh giỏi đạt năng suất cao,  phong trào tuổi trẻ giữ nước.Tổ chức chức đoàn thường xuyên phối hợp với Ban quân sự, Hội cựu chiến binh tổ chức diễn đàn giao lưu học tập truyền thống bộ đội cụ Hồ, tìm hiểu luật nghĩa vụ quân sự. Thường xuyên làm tốt việc giới thiệu những đoàn viên ưu tú để tổ chức đảng bồi dưỡng kết nạp. Năm 1996 có 65-70% thanh niên tham gia tổ chức đoàn, năm 1999 và 2000 Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xã Hải Nam được Huyện Đoàn tặng giấy khen.

Đến năm 2000, Hội phụ nữ xã có 2114 hội viên sinh hoạt ở 20 chi hội cơ sở. Từ năm 1996-2000, Hội phụ nữ thực hiện phong trào: Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi con khoẻ dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc và  phong trào Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước do Trung ương hội phát động. Hàng năm có từ 8-11chi hội đạt xuất sắc, 7- 10 khá và 1-3 chi hội yếu. Phong trào Phụ nữ Hải Nam thường xuyên được Huyện hội xếp loại xuất sắc, UBND huyện tặng 4 giấy khen, năm 1999 Công an tỉnh tặng giấy khen về thành tích xây dựng thôn xóm bình yên.

Hội nông dân xã từ năm 1996 đến năm 2000 có từ 350-450 hội viên, đạt 25-30% số hộ nông dân. Hội đã phối hợp chặt chẽ với ngân hàng tổ chức cho nông dân vay 937 triệu đồng để giúp nông dân thực hiện phong trào "sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xoá đói giảm nghèo". Thực hiện sự liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, tiến hành dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng chuyển đổi, vùng sản xuất cây vụ đông, vùng đất công ích, tạo điều kiện cho nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Kinh tế hộ phát triển, dần hình thành các mô hình trang trại vừa và nhỏ.

Hội Cựu chiến binh đến năm 2000 đã có 378 hội viên. Hội thường xuyên duy trì phong trào thi đua xây dựng hội vững mạnh, hội viên CCB gương mẫu và gia đình CCB văn hóa, phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Từ năm 1996 đến năm 2000 có 17/19 chi hội ở 20 xóm đạt trong sạch vững mạnh, 2/19 chi hội trung bình, 88,5% hội viên đạt mức 1 và 97% hộ gia đình Cựu chiến binh gương mẫu. Nhiều hội viên vượt khó vươn lên xoá nghèo, làm giàu chính đáng, trong 5 năm tổ chức hội đã có quỹ hội trên 20 triệu đồng, huy động 130 triệu đồng cho 120 hội viên vay phát triển sản xuất. Hàng năm Hội CCB xã đạt danh hiệu vững mạnh và được Huyện hội xếp loại có phong trào khá.

Ngày 01/10/1996, Hội vui tuổi già được đổi tên thành Hội người cao tuổi. Năm 1998, hội phát động phong trào “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” được đông đảo các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Hội người cao tuổi thường xuyên phát động phong trào chăm lo rèn luyện sức khoẻ để sống vui sống khoẻ sống có ích. Dịp đầu xuân hội người cao tuổi thường phối hợp với hội phụ nữ, chính quyền đoàn thể và gia đình tổ chức mừng thọ các cụ từ 70 tuổi trở lên.

Hội Chữ thập đỏ xã gồm 20 chi hội cơ sở với gần 500 hội viên. Hội thường xuyên vận động nhân dân giúp đỡ những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cơ nhỡ đau ốm hoạn nạn.

Mặc dù hoạt động của các đoàn thể những năm 1996 đến 2000 có những chuyển biến tiến bộ, nhưng phong trào chưa đồng đều, hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ còn thụ động, chưa năng động sáng tạo, công tác tôn giáo, công tác thanh tra và hoà giải còn nhiều hạn chế, khả năng tập hợp đoàn viên, hội viên của tổ chức Đoàn và Hội Nông dân còn yếu.

Công tác chính quyền tiếp tục được củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng giám sát của Hội đồng nhân dân và quản lý của UBND. Thường trực HĐND đã phối hợp với các ban ngành chức năng chỉ đạo tổ chức cuộc bầu cử quốc hội khóa X vào ngày 20/7/1997 đảm bảo an toàn, đúng luật.

Hội đồng nhân dân thực hiện tốt chức năng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, trước mỗi kỳ họp đều tổ chức tiếp xúc cử tri, các chương trình kinh tế xã hội  được thảo luận và thông qua tại kỳ họp theo luật định. Bộ máy cán bộ thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII và Nghị định 50, Nghị định 09 của Chính phủ. Đội ngũ cán bộ theo chức danh có sự phân công, phân nhiệm cụ thể. Tuy vậy, năng lực của 1 vài đại biểu chưa tương xứng với vị thế vai trò trách nhiệm đại biểu nhân dân, công tác quản lý đất đai chưa chặt chẽ, chưa xử lý dứt điểm việc lấn chiếm đất đai và lấn chiếm hành lang giao thông.

           Ngày 14 -11-1999, Đảng bộ đã lãnh đạo bầu cử Hội đồng nhân dân xã  khóa XVI nhiệm kỳ 1999-2004 gồm 23 Đại biểu. Tại phiên họp thứ nhất, HĐND xã đã bầu đồng chí Lê Văn Nhuyên tái cử Chủ tịch Hội đồng nhân dân, đồng chí Đỗ Thanh Chương tái cử Phó Chủ tịch HĐND xã, đồng chí Lê Đức Huy tái cử  Chủ tịch UBND xã.

          Thực hiện phương châm xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong nhiệm kỳ qua Đảng bộ đã triển khai toàn diện cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn đảng theo tinh thần của nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII. Trọng tâm là xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, tăng cường đoàn kết thống nhất trong đảng và sự đồng thuận trong nhân dân coi đó là nhân tố bảo đảm thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đảng bộ luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, các đợt học tập Nghị quyết được triển khai chặt chẽ từ khâu tổ chức học tập đến khâu xây dựng chương trình hành động và tổ chức thực hiện. Đảng viên tham gia học tập thường đảm bảo tỷ lệ 85-90%. Hàng tháng, hàng tuần, Đảng uỷ tổ chức giao ban nắm dư luận xã hội, kịp thời định hướng tư tưởng cho cán bộ Đảng viên. Trong sinh hoạt các chi bộ được cấp báo Nhân dân, báo Nam Định và thông báo nội bộ của tỉnh nhằm thông tin những vấn đề mới về lý luận và cập nhật chủ trương, chính sách cho cán bộ, đảng viên.

 Thực hiện nghị quyết số 17/NQ - HU ngày 20/7/1996 về công tác đào tạo bồi dưỡng sử dụng đội ngũ cán bộ. Đảng bộ xã đã tiến hành đánh giá đội ngũ cán bộ đương chức, lựa chọn, rà soát bổ sung những cán bộ có khả năng, có triển vọng vào quy hoạch để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng sử dụng, mỗi chức danh bố trí 3 độ tuổi kế tiếp nhau, có cán bộ dự bị để bồi dưỡng , tuyển chọn. Trong 5 năm 1996 -2000, Đảng bộ đã cử 14 đảng viên đi học sơ cấp chính trị, 2 đồng chí học trung cấp quản lý nhà nước, 21 quần chúng học đối tượng Đảng và đã kết nạp 13 đảng viên mới, tăng 40% so với nhiệm kỳ trước.

           Ngày 17/02/1997, Huyện uỷ ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU về việc "Tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới ". Đảng uỷ chỉ đạo các chi bộ học tập, thảo luận, đánh giá thực trạng tình hình chất lượng sinh hoạt chi bộ và xây dựng các giải pháp giữ vững nền nếp sinh hoạt, cải tiến nội dung hình thức sinh hoạt, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc xây dựng đảng, phân công công tác cho đảng viên. Tháng 12 năm 1997, Đảng uỷ tổ chức thi bí thư chi bộ giỏi, nhằm giúp Bí thư, chi uỷ nâng cao nhận thức về công tác đảng và phương pháp công tác, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

         Từ năm 1996 đến năm 2000 đã tiến hành kiểm tra 10 chi bộ và 13 đảng viên, chủ yếu là kiểm tra chế độ sinh hoạt, quản lý đảng viên, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Thông qua công tác kiểm tra đã kịp thời phê bình những cán bộ, đảng viên lười học tập, phát ngôn vô tổ chức, thường xuyên vắng thiếu trong sinh hoạt, đồng thời điều chỉnh  những yếu kém trong công tác bố trí sử dụng cán bộ, kiên quyết xử lý nghiêm minh những sai phạm.Trong 5 năm đã xoá tên và cho rút khỏi danh sách 8 đảng viên, xử lý kỷ luật 5 đảng viên trong đó: Khai trừ 1, cách chức 1, cảnh cáo 3, Cùng với công tác kiểm tra đảng viên thực hiện Cương lĩnh, điều lệ đảng, trong nhiệm kỳ Đảng bộ thường xuyên quán triệt và giáo dục đảng viên thực hiện theo tinh thần quy định số 55 của Bộ chính trị về 19 điều đảng viên không được làm và bước 2 cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn đảng theo tinh thần Nghị quyết trung ương 6 (lần 2) khóa VIII. Qua phân tích chất lượng đảng viên từ năm 1996 đến 2000 có 75% đảng viên xếp loại 1 và 13/22 chi bộ vững mạnh, 9/22 chi bộ khá, không có chi bộ yếu kém. Kết thúc năm 2000, Đảng bộ giữ vững danh hiệu trong sạch vững mạnh, chính quyền giỏi toàn diện, các đoàn thể tiên tiến đó là tiền đề cơ bản để cán bộ, đảng viên và nhân dân Hải Nam vững bước tiến vào thế kỷ XXI cùng với cả nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

2. Đại hội Đảng bộ xã Hải Nam lần thứ XXVI - Đại hội đầu tiên bước vào thế kỷ XXI thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn (2001-2005):

Ngày 22 tháng 5 năm 2000, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 54-CT/TW về việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội IX của Đảng.

Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện uỷ, trong 2 ngày 06 và 07 tháng 9 năm 2000, Đảng bộ xã Hải Nam đã tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ XXVI nhiệm kỳ 5 năm đầu bước vào thế kỷ XXI (2001-2005).

Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ gồm 15 uỷ viên. Đồng chí Lê Văn Nhuyên tiếp tục được bầu  tái cử chức vụ Bí thư Đảng uỷ, đồng chí Trần Văn Đán - Phó Bí thư thường trực Đảng u, đồng chí Lê Đức Huy - Phó Bí thư -Chủ tịch UBND xã, đồng chí Mai Quang Trung - uỷ viên Ban Thường vụ - Phó Chủ tịch UBND xã, đồng chí Mai Khải Hoàn - uỷ viên Ban Thường vụ - Xã đội trưởng.

 Đại hội đã nhất trí thông qua phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu từ 2001-2005 là: Tăng cường đoàn kết thống nhất, tập trung  khai thác mọi nguồn lực nhằm ổn định và phát triển toàn diện, xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, trọng tâm là sản xuất lương thực thực phẩm; tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững an ninh nông thôn trong mọi tình huống. Tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, giữ vững và phát huy danh hiệu Đảng bộ vững mạnh, xây dựng chính quyền giỏi toàn diện, các đoàn thể quần chúng tiên tiến.

 Đại hội đã thông qua các chỉ tiêu kinh tế-xã hội phấn đấu trong 5 năm 2001-2005 là: Giữ vững diện tích trồng lúa 1018,4 mẫu, tổng sản lượng lương thực 4656 tấn/năm, lương thực bình quân đầu người 560-580 kg/năm. Mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên chân ruộng 2 lúa đạt 30 ha trở lên. Chăn nuôi giữ vững tổng đàn lợn hàng năm từ 2500 con trở lên,  trong đó phát triển đàn lợn lái sinh sản đạt 700-1000 con. Ngân sách xã thu thường xuyên đạt 250-300 triệu đồng/năm. Quản lý đất đai theo luật đúng với từng loại đất, đúng với chủ sử dụng. Hoàn thiện đề án giao thông đường trục xã và đường dong xóm. Xây dựng đề án xây dựng trường Tiểu học kiên cố, nâng cấp trường Mầm non ở khu Trà Trung và Hội Nam. Phấn đấu tỷ lệ phát triển dân số dưới 0,7%, trong đó 5-10 xóm không người sinh con thứ 3 trở lên.

Nghị quyết đại hội được tổ chức thực hiện trong điều kiện thế và lực của đất nước đã lớn mạnh hơn nhiều so với 10 năm trước,  đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân có những tiến bộ đáng kể.

Ngày 06/8/2000 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ra Nghị quyết số 02, ngày 10/10/2000 Huyện uỷ ban hành Chỉ thị số 08 về việc dồn điền đổi thửa, ngày18/5/2001 UBND huyện ban hành đề án “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, mở rộng sản xuất vụ đông”. Mục đích chính của chủ trương trên là: Quy hoạch vùng chuyển đổi, vùng sản xuất vụ đông, vùng đất công nhằm tạo điều kiện thâm canh tăng vụ, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, có thương hiệu; đồng thời tạo điều kiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tăng giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích canh tác.

 Thực hiện chủ trương của cấp trên, Ban chấp hành Đảng uỷ xã đã chỉ đạo UBND xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giao cho Ban quản trị các HTX xây dựng phương án cụ thể. Các chi bộ mở đợt sinh hoạt chuyên đề, đồng thời tổ chức họp xóm để nhân dân bàn bạc, biểu quyết triển khai thực hiện theo phương châm: xã xây dựng quy hoạch vùng chuyên canh, vùng chuyển đổi, vùng cây vụ đông; các xóm khoanh vùng sản xuất vụ đông, vùng chuyển đổi sản xuất theo quy hoạch chung, khuyến khích các hộ xã viên căn cứ vào quy hoạch, nhu cầu và khả năng sản xuất để tự đổi thửa cho nhau nhằm khắc phục tình trạng manh mún; giảm số thửa ruộng bình quân toàn xã từ 3,9 thửa/hộ xuống còn 2,8 thửa/hộ, tạo điều kiện chuyển đổi sản xuất và thâm canh tăng giá trị thu nhập  trên 1 đơn vị canh tác. Các mô hình chuyển đổi từ diện tích đất 2 lúa kém hiệu quả sang trồng màu, nuôi trồng thuỷ sản ở 1 vài đơn vị, hộ gia đình đã có thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa. Đến năm 2005, toàn xã đã có: 82 mẫu cây vụ đông chủ yếu là cây Bí xanh trên chân ruộng 2 lúa (bằng 8,05% tổng diện tích đất 2 lúa) điển hình là xóm 4,6,7,9,10,14,15 và 27 hộ với 13,5 mẫu ruộng 2 lúa chuyển nuôi cá nước ngọt cho thu nhập khá. Xã đã tập trung chỉ đạo khai thác nuôi trồng thuỷ sản, cải tạo phân chia 4 cánh đồng nuôi trồng thuỷ sản với diện tích 78,26 ha thành 9 cánh đồng nhỏ, tổ chức đấu thầu công khai với tổng giá trị 1.726.670.000 đồng. Các hộ đấu thầu nuôi trồng thuỷ sản đã chuyển dần từ nuôi quảng canh sang nuôi bán công nghiệp, tuy thu nhập chưa cao song đã tích luỹ kinh nghiệm cho những năm tiếp theo và các hộ này đã thực hiện nghiêm chế độ hợp đồng.

Cùng với việc dồn điền đổi thửa qui vùng sản xuất đẩy mạnh trồng cây màu, cây vụ đông trên chân ruộng 2 lúa, nuôi trồng thuỷ sản, Đảng bộ đã chỉ đạo các HTX tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, thực hiện chuyển dịch cơ cấu giống, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh, sử dụng phân bón tổng hợp NPK, chủ động phòng trừ sâu bệnh, phòng trừ chuột phá hoại; đồng thời cung ứng đủ lượng vật tư thiết yếu. Những năm 2001 – 2005, các HTX chỉ đạo đổi mới cơ cấu giống lúa: Tỷ lệ lúa lai đạt 65-70%, còn lại chủ yếu là Bắc thơm số 7 và Nam định 1. Kết quả năng suất lúa bình quân 5 năm từ năm 2001 đến 2005: HTX Trà Trung đạt 128,7 tạ/ha, tăng 9,94 tạ/ha so với nhiệm kỳ trước. HTX Hùng Sơn đạt 125,17 tạ/ha, tăng 7,73 tạ/ha so với nhiệm kỳ trước. HTX Hồng Phong đạt 127,42 tạ/ha, tăng 9,08 tạ/ha so với nhiệm kỳ trước. Riêng năm 2004, năng suất lúa bình quân toàn xã đạt 133,6 tạ/ha, là năm có năng suất cao nhất so với trước.

          Ngày 24 và 25 tháng 7 năm 2005, bão số 2 gây mưa lớn làm chết một số diện tích lúa mới cấy. Ngày 18/9/2005 bão số 6 và ngày 27/9/2005 bão số 7 với sức gió cấp 10, giật trên cấp 12, đây là cơn bão mạnh nhất kể từ sau trận bão năm 1944  đổ bộ trực tiếp vào Hải Hậu. Bão số 7 đã phá vỡ 1500 m đê tuyến 1 ở thị trấn Thịnh Long, Hải Hoà, Hải Chính. Nhân dân Hải Hậu bị thiệt hại nặng về tài sản và sản xuất. Riêng ở địa bàn Hải Nam, tuy là xã nội địa nhưng bão đã làm hư hỏng một số nhà cửa, nước tràn qua mặt đê tàn phá hầu hết diện tích nuôi trồng thuỷ sản, ước tính tổng thiệt hại toàn xã khoảng 30 - 35% giá trị sản xuất. Trước tình hình đó, Đảng uỷ, chính quyền, các ban ngành đoàn thể của địa phương đã vận động nhân dân tích cực, khẩn trương khắc phục thiệt hại sau bão. Người bị thiệt hại ít thì góp tiền của ủng hộ người bị thiệt hại nặng. Cùng với khắc phục thiệt hại do bão gây ra ở địa phương, nhân dân Hải Nam đã quyên góp trên 15 triệu đồng ủng hộ các xã ven biển.

Đi đôi với trồng trọt, nhiều hộ xã viên đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại bán công nghiệp và công nghiệp. Các giống lợn: Landvat, Iorshire, Đu- rốc, Beshire có tỷ lệ thịt nạc cao từ 45 đến 50%(siêu nạc), giống thỏ Kalifornia, thỏ Tân Tây Lan trắng, giống vịt Kakicambell, vịt Tam hoa, ngan Pháp, gà Tam hoàng, gà Lương phượng được nhân rộng. Tổng đàn lợn nái 871 con, tăng 15% so với năm 2000.

Ngày 03/02/2004, ở Hải Hậu xuất hiện  dịch cúm gia cầm H5N1 tại xã Hải Đông và Hải Tây đã làm chết 287 con gà, ngan. Huyện đã chỉ đạo các xã  thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch. Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã Hải Nam đã triển khai vệ sinh phun thuốc khử trùng, tiêu độc chuồng trại, không để xảy ra dịch ở địa phương.

Kinh tế hộ phát triển theo hướng đa dạng các loại hình sản xuất kinh doanh dịch vụ. Ngoài sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ cung ứng hàng hóa, vật tư, chế biến lương thực, thực phẩm, nhà hàng bước đầu mở rộng, hình thành sự phân công lao động mới. Đến năm 2005, nghề cơ khí, nề, mộc, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, dịch vụ hình thành các cơ sở tổ hợp. Tỷ trọng cơ giới hóa bình quân khoảng 5 ha canh tác có 1 máy cầy bừa cỡ nhỏ, 2 máy tuốt lúa và các phương tiện vận chuyển cơ giới thuỷ bộ. Mỗi đội sản xuất có từ 1 đến 2 máy cày bừa, 1 đến 2 dàn máy xay xát.

 Trong 5 năm từ 2001 đến năm 2005, cả 3 HTX nông nghiệp đều tăng cường công tác quản lý theo luật HTX. Thực hiện cơ chế mới, Ban quản lý HTX đã khắc phục mọi khó khăn, vươn lên làm tốt chức năng quản lý  điều hành sản xuất, tổ chức các dịch vụ cung ứng vật tư, giống cây trồng vật nuôi đảm bảo chất lượng, tạo điều kiện cho nhân dân đẩy mạnh sản xuất.

Tuy vậy trong phát triển kinh tế việc dồn điền đổi thửa cá biệt có xóm triển khai chậm, cây vụ đông trên chân ruộng 2 lúa chưa đạt chỉ tiêu. Đầu tư khuyến khích phát triển sản xuất còn mang tính bình quân, chưa chú ý đầu tư  vùng chuyển đổi. Các mô hình chuyển đổi sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đầu tư đúng mức, số mô hình có hiệu quả cao chưa nhiều. Nuôi trồng thuỷ sản chưa tương xứng với tiềm năng, chưa chú ý quy trình kỹ thuật, thu nhập bấp bênh, cá biệt có hộ thua lỗ. ngành nghề tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển, lao động nông nghiệp thiếu việc làm ngày càng tăng.

Mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết thống nhất cao, Đảng bộ chính quyền và nhân dân Hải Nam đã tiết kiệm trong chi tiêu, tiếp tục huy động đóng góp của nhân dân để đầu tư  xây dựng các công trình phúc lợi theo nguyên tắc: Dân biết,  dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, thực hiện đúng quy trình thủ tục xây dựng cơ bản. Vì vậy công tác kiến thiết xây dựng cơ bản được cán bộ và nhân dân tin tưởng đồng tình hưởng ứng.

Từ năm 2001 đến 2005, tổng đầu tư xây dựng cơ bản là 3.378.681.000 đồng, tăng 172.078.000 đồng; trong đó: Nhân dân góp 293.880.000 đồng, ngân sách xã 1.753.800.000 đồng, các HTX 248.321.000 đồng, ngân sách cấp trên 0,8 tỷ đồng, các HTX đầu tư các công trình phục vụ sản xuất 176.680.000 đồng, HTX Trà trung nâng cấp khu văn phòng 106 triệu đồng. Với nguồn đầu tư trên, trong 5 năm Hải Nam đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng: 12 phòng học cao tầng và 4 phòng hiệu bộ trường Tiểu học, 2 phòng học miền Hội Nam, 4 phòng học miền Trà Trung, cống Hà Lạn 1/3, cầu xóm 10, cống xóm 17, dự án nuôi tôm công nghiệp, hệ thống chiếu sáng đường giao thông nông thôn.

 Thực hiện đề án giao thông thuỷ lợi giai đoạn 2, bằng nguồn vốn ngân sách xã, HTX đã đầu tư gần 250 triệu đồng hoàn chỉnh nhựa hóa đường trục xã gồm các đoạn từ cống ông Tiển đến cống ông Văn và từ cống ông Văn lên xóm 11, đoạn từ nghĩa trang lên xóm 18. Nhân dân các xóm góp 39 triệu đồng hoàn thành việc đổ bê tông 970 m đường xóm còn lại. Các HTX đầu tư trên 300 triệu đồng sửa chữa và xây mới phai đập, bờ vùng, bờ thửa, sông cấp 2, mương máng cấp 3.

Để chủ động phòng chống lụt bão, hằng năm xã đã xây dựng phương án phòng chống bão lũ theo nguyên tắc: Không chủ quan, lấy phòng là chính. Nếu thiên tai xảy ra thì tích cực chống, ưu tiên bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và kiên trì khắc phục hậu quả thiên tai. Chủ động công tác chuẩn bị với phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Hàng năm xã thường xuyên dự trữ 3000 cọc tre, 3500 bao tải và sẵn sàng các phương tiện vận tải đáp ứng kịp thời phòng chống bão lụt ở địa phương và ứng cứu khi cần thiết.

Năm 2001, UBND xã triển khai công tác tài chính ngân sách theo tinh thần đề án: Đẩy mạnh xây dựng ngân sách xã, mở rộng thị trường hàng hóa do UBND huyện ban hành. Thực hiện chủ trương này, UBND xã thu chi ngân sách theo luật và được hạch toán qua kho bạc nhà nước. Các quỹ do nhân dân đóng góp được bàn bạc dân chủ công khai, sử dụng đúng mục đích. Thu ngân sách xã từ nguồn thu thường xuyên trên địa bàn cơ bản đáp ứng trả lương, phụ cấp, đảm bảo hoạt động của đảng, chính quyền, đoàn thể. Tổng thu ngân sách bình quân 5 năm đạt 1.087.813.000 đồng, tăng 784 triệu đồng so với chỉ tiêu.

Hoàn chỉnh việc cấp đất thực địa và hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất sau dồn điền đổi thửa. Lập kế hoạch quy hoạch đất và thực hiện đề án quy hoạch đất đai đến năm 2010. Tuy vậy, hiện tượng tranh chấp lấn chiếm đất đai, đào đóng lề đường vi phạm chỉ giới giao thông còn sảy ra, tiến độ cấp giấy chứng nhận cho nhân dân còn chậm.

Tháng 5 năm 2001, xã tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và 1 năm thực hiện cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm rút kinh nghiệm để tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động trong giai đoạn 2001-2005.

Trong 5 năm, xã đã đầu tư nâng cấp hệ thống truyền thanh đảm bảo mỗi xóm có 1 cụm loa . Đài truyền thanh đã biên tập hàng trăm tin bài biểu dương người tốt việc tốt, cán bộ văn hóa kẻ vẽ  khẩu hiệu, áp phích cổ động tuyên truyền đường lối chủ trương chính sách của Đảng pháp luật của nhà nước, phổ biến kiến thức, kỹ thuật động viên nhân dân hăng hái lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa.

Phong trào văn nghệ, TDTT quần chúng phát triển sâu rộng, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, câu lạc bộ những người không sinh con thứ 3, câu lạc bộ gia đình trẻ được đông đảo nhân dân tham gia. Hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh mồng 2 tháng 9- Ngày hội truyền thống cách mạng ở huyện, nhiều xóm thi đua tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ thể dục thể thao. Trong các kì hội diễn văn nghệ thể dục thể thao, xã thường xuyên được UBND huyện tặng giấy khen.

  Đầu năm 2001, xã và cơ sở đã thành lập Ban chỉ đạo toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đến cuối năm 2001 các xóm đều đẩy mạnh thực hiện hương ước, qui chế nếp sống văn hóa; năm 2003, xóm 2 được công nhận đạt danh hiệu xóm văn hóa; năm 2004, xóm 6 và trạm Y Tế xã được công nhận đạt danh hiệu xóm văn hóa; năm 2005, xóm 18 được công nhận đạt danh hiệu xóm văn hóa; đến năm 2005 đã có 3 xóm và trường học, trạm y tế đạt tiêu chuẩn văn hóa (đạt 80% chỉ tiêu đại hội), có 1439 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa (tăng 30% so với năm 2000).

Ngày 18/01/2005, UBND huyện ban hành hướng dẫn số 03 về việc “Xây dựng và tổ chức hoạt động của nhà văn hóa xóm”. Thực hiện hướng dẫn của huyện, Đảng uỷ đã chỉ đạo Chính quyền xây dựng quy hoạch đất và hỗ trợ 1 phần kinh phí để nhân dân các xóm tự bàn bạc góp công góp tiền của, tự quản trong việc tu sửa, xây mới nhà văn hóa xóm. Đến năm 2005, toàn xã đã có 17/20 xóm hoàn thành việc quy hoạch đất xây dựng nhà văn hóa; xóm 6 và xóm 11 hoàn thành việc xây mới nhà văn hóa xóm với kinh phí trên 50 triệu đồng do nhân dân tự đóng góp.

 Sự nghiệp giáo dục từng bước nâng cao chất lượng. Ngành học Mầm non huy động 81,6% trẻ em trong độ tuổi đến lớp, duy trì 1 khu trung tâm nuôi dạy bán trú với số lượng 95 em, 100% giáo viên có trình độ trung cấp và cao đẳng. Trường Tiểu học, tỷ lệ học sinh giỏi hằng năm 17,2%; năm 2003, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, năm 2005 đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Trường THCS, tỷ lệ học sinh giỏi hằng năm 14,16%, tăng so với năm 2000 là 8,16%, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường THPT đạt 59,7%; trong 5 năm toàn xã có 102 em trúng tuyển Đại học, 235 em vào Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp. 

Ngày 07/3/2003, Tỉnh uỷ Nam Định ra Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 12/5/2003 UBND huyện ban hành kế hoạch số 12/2003-KH/UB về việc thành lập Trung tâm học tập cộng đồng. Ngày 05 tháng 11 năm 2003 xã đã thành lập Trung tâm  học tập cộng đồng và Đảng uỷ cử đồng chí Trần Văn Đán kiêm Giám đốc, đồng chí Trần Văn Phóng - Phó Giám đốc.

Phong trào xã hội hóa giáo dục được toàn dân tham gia. Đến năm 2005, toàn xã có 9 chi hội khuyến học của xóm, 16 chi hội khuyến học của các dòng họ với tổng quỹ gần 70 triệu đồng. Tổng quỹ khuyến học của xã trên 14 triệu đồng. Hằng năm vào dịp khai giảng Hội Khuyến học xã đã chi trợ cấp 100 ngàn đồng/học sinh nghèo, 300 ngàn đồng/học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ( trong đó mỗi năm 10 học sinh thuộc diện nghèo vượt khó do bà Lê Thị Hương –xóm 9 Hải Nam hiện nay sinh sống tại Vũng Tàu tài trợ ), phát thưởng từ 30- 150 ngàn đồng/lượt học sinh, giáo viên giỏi, học sinh nghèo vượt khó.

Thực hiện đề án "Tăng cường chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đẩy mạnh công tác dân số kế hoạch hóa gia đình", đến năm 2005 xã đã bố trí 20/20 xóm có cán bộ y tế hưởng phụ cấp, trạm y tế xã có 1 Bác sĩ, 4Y tá trung cấp hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Hằng năm trạm Y tế định kỳ tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi và phụ nữ có thai, quản lý sức khoẻ học đường, tổ chức khám điều trị mắt hột, răng miệng cho học sinh ở các cấp học, đồng thời khám và quản lý sức khoẻ cho người già, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Công tác truyền thông dân số được đẩy mạnh,  trạm y tế tổ chức các dịch vụ kỹ thuật an toàn, thuận tiện. Tỷ lệ phát triển dân số bình quân 5 năm 2001-2005 là 0,75%, tăng 0,03% so với bình quân 5 năm 1996-2000, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên là 14,96%, giảm 6,44% so với trước. Năm 2004, trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia và là đơn vị đạt danh hiệu nếp sống văn hóa.

Trước hậu quả nặng nề do bão số 7 gây ra (ngày 27/9/2005), nhân dân Hải Nam vừa khắc phục những thiệt hại do bão tàn phá ở điạ phương vừa ủng hộ nhân dân các xã ven biển gần 20 triệu đồng. Năm 2004 và 2005 đã hỗ trợ 7 hộ với số tiền 33 triệu đồng xoá nhà tranh tre, vận động nhân dân giúp các hộ nghèo một số phương tiện sinh hoạt trị giá gần 2 triệu đồng. Vận động nhân dân ủng hộ nạn nhân chất độc da cam hơn 10 triệu đồng, nạn nhân bị sóng thần ở Đông Nam Á gần 5 triệu đồng.

 Hằng năm xã trích ngân sách tổ chức thăm hỏi động viên các gia đình chính sách nhân dịp ngày thương binh liệt sĩ và các ngày lễ tết. UBND đã tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận các nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng chính sách xã hội. Tổ chức tiếp nhận hồ sơ, thẩm định xét duyệt hưởng trợ cấp cho các đối tượng hoạt động kháng chiến, gia đình chính sách, làm thủ tục hưởng chế độ Huân Huy chương đúng quy định.

Ngày 26/7/2001, Thủ tướng chính phủ ra Quyết định số 916/QĐTTg cấp bằng số EP.299/CP công nhận Liệt sỹ đối với đồng chí Lê Đình Uấn sinh năm 1939 tại xóm 9 xã Hải Nam, hy sinh ngày 02 tháng 8 năm 1952 khi đang làm nhiệm vụ Liên lạc viên tại thôn Hội Khê xã Hải Nam. Đồng chí Lê Đình Uấn, ngày 2/8/1952 được đồng chí Đỗ Xuân Quán-Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã và đồng chí Phạm Đức Hậu-Trưởng Công an xã giao nhiệm vụ chuyển tài liệu về cơ sở bí mật. Trên đường vận chuyển bị địch bắt tra tấn dã man, treo lên cây ở đầu làng rồi bắn chết, ngày đó đồng chí là một Thiếu niên 13 tuổi đời.

Công tác văn hóa xã hội 5 năm 2001-2005 còn những hạn chế:  Tỷ lệ phát triển dân số và số xóm có người sinh con thứ 3 trở lên tăng cao so với trước, trình độ chuyên môn và trách nhiệm đội ngũ y tế xóm chưa cao. Cơ sở vật chất đồ dùng dạy học chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là các trường Mầm non và THCS. Chưa có đa số hộ gia đình và xóm đạt tiêu chí văn hóa. Tệ nạn nghiện hút ma tuý gia tăng, gây lo ngại và bức xúc trong nhân dân.

Công tác quân sự địa phương thường xuyên được cấp uỷ, chính quyền coi trọng việc xây dựng lực lượng Dân quân và lực lượng dự bị động viên đảm bảo tỷ lệ từ 9 đến 9,5% dân số, trong đó dự bị hạng 1 là 75%, hạng 2 là 25%. Đến năm 2005 đã biên chế vào lực lượng dự bị động viên 8,5% tổng nguồn hiện có được biên chế vào đơn vị Tiểu đoàn Phòng không - Lữ 162 – Quân khu 3, E180 và Tiểu đoàn Bộ binh 2 của huyện. Chế độ đăng ký nghĩa vụ quân sự ở tuổi 17 được triển khai đúng quy định. Trong 5 năm (2001-2005) đã tiễn 89 thanh niên nhập ngũ đảm bảo yêu cầu chất lượng toàn diện về sức khoẻ, học vấn và phẩm chất chính trị. Công tác quân sự xã Hải Nam năm 2001 đến 2005 được huyện xếp loại khá.

 Lực lượng công an được biên chế theo nghị định 40/CP của Chính phủ. Mạng lưới an ninh nhân dân hình thành sâu rộng, triển khai đồng bộ cuộc vận động "Thôn xóm bình yên, gia đình hoà thuận", các vụ việc va chạm, mất đoàn kết trong nhân dân được hoà giải và xử lý dứt điểm. Trong 5 năm từ năm 2001 đến 2005 đã phát hiện và sử lý 79 vụ việc, chuyển huyện 12 vụ việc với 26 đối tượng, các vụ việc đều được giải quyết, xử lý đúng luật, đúng người, đúng tội.

Tuy vậy, những năm qua tình hình an ninh trật tự ở Hải Nam diễn biến phức tạp, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng nhất là tệ nạn ma tuý. Lực lượng an ninh chủ yếu tập trung sử lý vụ việc vi phạm; công tác điều tra, phát hiện, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm còn hạn chế. Số lượng Thanh niên vi phạm luật nghĩa vụ quân sự phải sử lý có xu hướng ngày càng tăng; công tác khám tuyển nghĩa vụ quân sự gặp nhiều khó khăn do Thanh niên đi làm xa quê ngày một nhiều.

Thực hiện nghị quyết Trung ương 8 (khóa VIII) về cải cách nền hành chính và Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 01/9/2003 của Thủ Tướng Chính phủ, từ ngày 01/01/2004 thực hiện chế độ giao dịch hành chính một cửa tại UBND xã trên 4 lĩnh vực: Chứng thực, lao động thương binh xã hội, đất đai và hướng dẫn kê khai thuế, lệ phí trước bạ, đăng ký kinh doanh. Hoạt động của HĐND-UBND tiếp tục đổi mới, thực hiện đúng quy chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý. Chức năng của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương được phát huy. HĐND tổ chức các kỳ họp đúng định kỳ, tập trung thảo luận thông qua các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển của địa phương, đồng thời có kế hoạch giám sát việc tổ chức thực hiện của các ban ngành , đoàn thể, đơn vị ở địa phương.

Ngày 19/5/2002, Đảng bộ đã lãnh đạo hoàn thành cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội ở địa phương đảm bảo an toàn đúng luật. Ngày 25 tháng 4 năm 2004, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc bầu cử HĐND 3 cấp nhiệm kỳ 2004- 2009.Tổng số cử tri đi bầu cử là 5.699(đạt 100%) đảm bảo an toàn đúng luật.  Đã bầu được 27 Đại biểu theo qui định của pháp luật. Tại phiên họp thứ nhất, HĐND xã bầu đồng chí Lê Đức Huy đảm nhiện chức vụ Chủ tịch HĐND, đồng chí Đỗ Thanh Chương - Phó Chủ tịch HĐND, đồng chí Trần Văn Đán - Chủ tịch UBND xã.

Bộ máy chính quyền xã được tổ chức sắp xếp theo tinh thần Nghị định 121/NĐ- CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ và thông tư liên tịch số 34 của Liên Bộ Nội vụ-Tài chính-Lao động thương binh xã hội về chính sách đối với cán bộ công chức xã, nâng cao trách nhiệm quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân, tiếp tục thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự chuyển biến trong quản lý xã hội, phát triển kinh tế địa phương, nhất là tổ chức thực hiện các đề án xây dựng, kiến thiết, quản lý ngân sách, hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch kinh tế xã hội.

Thông qua cải cách hành chính, hoạt động của Chính quyền được tăng cường, tuy nhiên so với yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân thì hoạt động của Chính quyền còn có hạn chế: Một số Đại biểu HĐND năng lực chưa tương xứng, trách nhiệm 1 số Đại biểu chưa cao, công tác kiểm tra giám sát hiệu quả còn thấp. Năng lực 1 số cán bộ Chính quyền còn hạn chế, còn để lấn chiếm đất đai và hành lang giao thông, giải quyết 1 vài vụ vi phạm pháp luật chưa chặt chẽ. Để tăng cường công tác dân vận, BCH Đảng uỷ, chính quyền đã chỉ đạo các đoàn thể xây dựng quy chế hoạt động. Hàng tuần tổ chức giao ban giữa thường trực Đảng uỷ, UBND với trưởng, phó các đoàn thể để nắm tình hình và thống nhất chỉ đạo hoạt động của các đoàn thể nhằm từng bước khắc phục những hạn chế, khắc phục tính hình thức, đổi mới nội dung hình thức hoạt động theo phương châm thiết thực và rộng khắp bằng các kế hoạch, đề án cụ thể. Năm 2002 tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 8B về công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và dân. Năm 2003 tổ chức hội thi cán bộ dân vận khéo. Năm 2005 xã tiến hành sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7(khóa IX) về đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hoạt động của mặt trận và các đoàn thể nhân dân trọng tâm là vận động đoàn viên hội viên thực hiện các cuộc vận động: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng "Khu dân cư 5 không"( Không người sinh con thứ 3 trở lên, Không người khiếu kiện trái pháp luật, Không trẻ em bỏ học, Không tệ nạn xã hội, Không hộ nghèo ); hướng dẫn các tôn giáo hoạt động theo pháp lệnh nhà nước, phát động nhân dân quyên góp ủng hộ quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ vùng bị thiệt hại nặng do bão lũ, xây dựng nhà đại đoàn kết, khuyến học khuyến tài, tổ chức ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư vào dịp kỷ niệm thành lập MTTQ Việt Nam (18/11) hàng năm. Đến năm 2005, thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng "Khu dân cư 5 không", xã Hải Nam đã có xóm 2 đạt “4 không”, 12 xóm đạt “3 không”, 7 xóm đạt “2 không”. Các cuộc vận động quỹ tình nghĩa, từ thiện…MTTQ đều vận động nhân dân hưởng ứng đạt 100% chỉ tiêu định hướng.

        Đoàn thanh niên đã vận động tuổi trẻ Hải Nam đẩy mạnh phong trào "Thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước", tích cực hoạt động văn hóa, thể thao, vận động thanh niên thực hiện luật nghĩa vụ quân sự và xung kích trong các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nhất là nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, trồng cây vụ đông trên chân ruộng 2 lúa, giữ gìn trật tự an ninh và tham gia quản lý giáo dục, phòng ngừa các tệ nạn xã hội, phối hợp với nhà trường làm công tác giáo dục thiếu niên nhi đồng. Năm 2002 xã đoàn đã phát động đoàn viên vận động được ….. triệu đồng ủng hộ biên giới hải đảo. Năm 2003, phong trào đoàn xã đạt vững mạnh; năm 2004 và 2005 đạt khá.

       Hội phụ nữ từ năm 2001-2005 đã tập hợp được trên 2000 hội viên. Hội đã đẩy mạnh thực hiện 6 chương trình do Trung ương hội phát động: Giáo dục phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực mọi mặt cho phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình; xây dựng gia đình ấm no bình đẳng tiến bộ hạnh phúc; xây dựng và phát triển tổ chức hội vững mạnh; tham gia xây dựng và thực hiện luật pháp. Duy trì đều đặn 2 câu lạc bộ “phụ nữ với pháp luật và xây dựng gia đình hạnh phúc”. Đối với các hộ cần vốn sản xuất, Hội đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất. Năm 2004 – 2005, hội phụ nữ đã vận động được 1,3 triệu đồng ủng hộ xây dựng đền Hai Bà Trưng. Năm 2002 đến 2005 là đơn vị đạt xuất sắc. Hội phụ nữ xã được Công an tỉnh tặng giấy khen về phòng chống ma tuý, năm 2002 đến 2005 được Huyện hội tặng giấy khen.

Hội nông dân xã đến năm 2005 đã thu hút được 1450 hội viên. Từ năm 2001-2005, Hội nông dân Hải Nam tập trung đẩy mạnh 4 chương trình công tác hội, trọng tâm là phong trào "sản xuất kinh doanh giỏi", "xoá đói giảm nghèo", tuyên truyền vận động hội viên thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Hội là chủ dự án tín chấp đã phối hợp với ngân hàng tổ chức cho hội viên vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Những năm qua, thực hiện nghị quyết liên tịch số 02 giữa Công an huyện và Hội nông dân, các chi hội đã phối hợp với các đoàn thể phát động quần chúng đẩy mạnh phòng chống các tệ nạn xã hội. Từ năm 2003, phong trào hội nông dân được xếp loại khá và vững mạnh.

Đến năm 2005, toàn xã đã có 19 chi hội Cựu chiến binh với 446 hội viên.Từ năm 2001 đến năm 2005 Hội Cựu chiến binh duy trì tốt các hoạt động, giữ vững và phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, tham mưu cho Đảng và Chính quyền về công tác lãnh đạo quản lý điều hành. Năm 2004 hội đã vận động hội viên đóng góp 1.524 ngàn đồng ủng hộ xây tượng đài Điện Biên, vận động được 6.339 ngàn đồng ủng hộ người bị thiệt hại nặng trong cơn bão số 7 năm 2005. Năm 2005 có 94,3% hội viên đạt gương mẫu, 93,8% gia đình CCB văn hóa, còn 6,2% không đạt tiêu chí văn hóa. Năm 2001, phong trào xếp loại khá; từ năm 2002 đến 2005 hội CCB xã được huyện xếp loại tiên tiến và năm 2002 được Tỉnh hội tặng bằng khen.

Các Hội người cao tuổi, Hội chữ thập đỏ, Hội sinh vật cảnh, Hội khuyến học đã có nhiều hoạt động phong phú, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp.

Tuy vậy hoạt động của các tổ chức đoàn thể còn thụ động và lúng túng trong việc triển khai các chương trình công tác của đoàn hội cấp trên.  Một số chi hội, chi đoàn hoạt động còn yếu nhưng chưa được cấp uỷ quan tâm kịp thời. Số lượng Thanh niên tham gia tổ chức đoàn còn ít, nội dung sinh hoạt nghèo nàn.Công tác tham mưu, xây dựng Đảng, Chính quyền của các đoàn thể còn nhiều hạn chế.

Công tác xây dựng đảng của Đảng bộ tiếp tục được tăng cường toàn diện. Trên lĩnh vực tư tưởng, Đảng uỷ tập trung làm tốt việc học tập quán triệt các chỉ thị nghị quyết, nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất ý chí trong cán bộ đảng viên và sự đồng thuận trong nhân dân về yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà trực tiếp ở địa bàn Hải Nam là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa được coi là nhiệm vụ trung tâm và xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch vững mạnh là nhiệm vụ then chốt.

Năm 2001, Đảng uỷ tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội IX,  Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Nghị quyết của  Đảng bộ tỉnh, huyện và qui định của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm cho toàn thể cán bộ đảng viên. Số lượng đảng viên dự học tập đạt từ 60 đến 70%. Mỗi lần học nghị quyết, Đảng uỷ đều chỉ đạo UBND và các ban ngành liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ để xây dựng chương trình hành động tập trung những vấn đề mới, vấn đề cơ bản nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ở địa phương.

Năm 2003, Đảng bộ triển khai nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 lần 2(Khóa VIII). Cùng với học tập, các chi bộ tổ chức thảo luận, cán bộ đảng viên viết thu hoạch, liên hệ bản thân và cam kết thực hiện. Năm 2004, Đảng uỷ tổ chức cuộc thi tuyên truyền viên giỏi về tư tưởng Hồ Chí Minh cho các đồng chí Bí thư chi bộ, trưởng phó các đoàn thể, thông qua hội thi đã chọn cử 2 đồng chí dự thi ở huyện. Cuối năm 2004, thực hiện Quyết định số 84 của Trung ương Đảng về kinh phí hoạt động của đảng, các chi bộ có 1 số báo Nhân Dân, 1 số báo Nam Định, 1 Thông báo nội bộ.

 Năm 2005 nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội và 75 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt nam, Trung ương phát động cuộc thi tìm hiểu 75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng, tìm hiểu 60 năm nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam, tìm hiểu truyền thống sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và cuộc thi tìm hiểu đất và người Quân khu 3 do Bộ tư lệnh Quân khu phát động. Toàn xã đã có trên 1 ngàn bài dự thi, nhiều bài viết tâm huyết, công phu, chất lượng; đồng chí Bùi Thị Bích Hường là giáo viên tiểu học Hải Nam đạt giải nhất cấp huyện, giải ba cấp tỉnh cuộc thi tìm hiểu 75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng và được Bộ tư lệnh Quân khu trao giải Khuyến khích cuộc thi tìm hiểu truyền thống sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và cuộc thi tìm hiểu Đất và người Quân khu 3. Cũng trong năm 2005, Đảng uỷ đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong Đảng bộ và nhân dân nghiên cứu, thảo luận góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp tiến tới đại hội X của Đảng.

 Thực hiện nghị quyết số 05, số 06 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện và  Nghị định 121-NĐ/CP của Chính phủ, đội ngũ cán bộ xã được bố trí , sắp xếp theo hướng chuẩn hóa đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ. Việc sắp xếp bố trí cán bộ trên cơ sở quy hoạch đảm bảo nguyên tắc, tiêu chuẩn, từng bước trẻ hóa, có kế thừa và phát triển. Hàng năm cấp uỷ, cán bộ xóm, đội sản xuất đều được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ. Trong nhiệm kỳ , Đảng uỷ đã cử: 1 đồng chí đi học trung cấp quản lý nhà nước, 4đồng chí học sơ cấp quản lý nhà nước; 1 đồng chí học trung cấp chính trị, 9  đồng chí học sơ cấp chính trị; 5 đồng chí học chuyên môn nghiệp vụ và 4 đồng chí học văn hóa tại huyện. Cử 46 quần chúng ưu tú học lớp đối tượng Đảng và đã xét kết nạp 35 đảng viên mới, vượt 85% so với chỉ tiêu và tăng 24 đồng chí so với nhiệm kỳ XXVI. Đến năm 2005, đội ngũ cán bộ công chức xã đã có 70% trình độ chuyên môn trung cấp và cao đẳng, 68% trung cấp chính trị và trung cấp quản lý nhà nước.

 Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, Đảng uỷ đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra việc chấp hành chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật, điều lệ đảng đối với cán bộ đảng viên và tổ chức đảng. Kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm nhằm kịp thời ngăn ngừa, giáo dục, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng. Căn cứ vào tình hình nhiệm vụ và chương trình kiểm tra của Huyện uỷ, Đảng uỷ đã chỉ đạo Uỷ ban kiểm tra xây dựng chương trình kế hoạch kiểm tra phù hợp với tình hình địa phương. Năm 2001 đến 2005 đã kiểm tra 5 chi bộ, xử lý kỷ luật 11 đảng viên; trong đó:  Khai trừ 2 đảng viên, cảnh cáo 9, xoá tên 5 đảng viên không thiết tha với Đảng.

Ngày 17/10/2003 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 29 về việc đổi thẻ đảng viên, Đảng uỷ đã tổ chức rà soát, phân loại, đánh giá chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên. Thông qua việc tổ chức bước 2 tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Đảng uỷ đã đánh giá phân tích chất lượng có 19/24 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, 5/24 chi bộ đạt khá, không có chi bộ yếu kém;  24,1% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 66,1% đảng viên mức 1, Đảng viên mức 2 là 33,04%, mức 3 là 0,86%. Đảng uỷ đã tiến hành đổi và phát thẻ vào các đợt: 3/2, 19/5, 7/11 cho 458 đảng viên (đạt 100 %).

 Cũng thông qua công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, Đảng uỷ đã phát hiện một số hạn chế: Năng lực lãnh đạo của 1 vài chi bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, công tác kiểm tra chưa thường xuyên,  việc phát triển đảng viên mới trong lực lượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp còn ít, một số đảng viên có biểu hiện lười học tập và rèn luyện, phát ngôn bừa bãi, thậm chí bỏ sinh hoạt. Đảng uỷ đã từng bước uốn nắn và xem xét xử lý kịp thời.

 Đến năm 2005, Đảng bộ đã có 3 đảng viên được trao tặng huy hiệu 50 năm tuổi đảng, 50 đảng viên được trao tặng huy hiệu 40 năm tuổi đảng. Năm 2001 đến 2005 Đảng bộ liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.

            Ngày12 và 13 tháng 6 năm 2005, Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Hải Nam lần thứ XXVII nhiệm kỳ 2005-2010 đã khẳng định thành tựu nổi bật 5 năm 2001-2005 của Đảng bộ và nhân dân Hải Nam là: Các mục tiêu kinh tế-xã hội đều hoàn thành vượt mức. Xây dựng các công trình phúc lợi đảm bảo chất lượng hiệu quả. Bộ mặt nông nghiệp nông thôn đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện. Trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đảng bộ giữ vững và phát huy danh hiệu trong sạch vững mạnh, Chính quyền vững mạnh, các đoàn thể tiên tiến.        

          Theo quy định của Điều lệ Đảng và biểu quyết của các Đại biểu, Đại hội tiến hành bầu Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2005-2010 gồm 15 uỷ viên.Kết quả: Sau 2 lần bỏ phiếu, Đại hội đã bầu được 14 đồng chí Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2005-2010. Ngày 17 tháng 6 năm 2005, Ban chấp hành Đảng bộ họp phiên thứ nhất bầu Ban Thường vụ và các chức vụ chủ chốt: Đồng chí Lê Văn Nhuyên tiếp tục tái cử chức vụ Bí thư Đảng uỷ, đồng chí Lê Đức Huy - Phó Bí thư thường trực - Chủ tịch HĐND, đồng chí Trần Văn Đán - Uỷ viên Ban Thường vụ - chủ tịch UBND xã. Ngày 05 tháng 12 năm 2006, Ban Thường vụ Huyện uỷ Hải Hậu ra Quyết định số 80 chỉ định đồng chí Lê Văn Tỵ - Uỷ viên UBND - Trưởng công an xã vào Ban chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2005-2010.

        Ngày 22 tháng 12 năm 2006, Ban chấp hành Đảng bộ bầu bổ sung Ban Thường vụ và chức vụ Phó Bí thư:  Đồng chí Trần Văn Đán - Phó Bí thư - chủ tịch UBND xã, đồng chí Mai Quang Trung - Uỷ viên Ban Thường vụ - Phó chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế, đồng chí Mai Khải Hoàn - Uỷ viên Ban Thường vụ - Phó chủ tịch UBND xã phụ trách văn hóa xã hội.

        Đảng bộ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2005 cũng là kết thúc giai đoạn 20 năm đổi mới (1986-2005 ), cán bộ đảng viên và nhân dân Hải Nam cùng với cả nước thực hiện công cuộc đổi mới tạo ra thế và lực mới, vững vàng bước vào thời kỳ hội nhập đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội Đại biểu Đảng bộ Hải Nam lần thứ XXVII đã quyết nghị các chỉ tiêu chủ yếu trong 5 năm 2005-2010: Năng suất lúa đạt 127 tạ/ha, có từ 15-20% diện tích cây vụ đông trên chân ruộng 2 lúa, giá trị sản xuất đạt 40-45 triệu đồng/ha/năm, giá trị nuôi trồng Thuỷ sản đạt 250-300 triệu đồng/năm. Xây mới 3 khu trường Mầm non ở 3 miền theo mô hình chuẩn quốc gia, xây dựng biểu tượng khu di tích lịch sử nơi treo lá cờ Đảng tháng 7 năm 1931.   Thu nhập bình quân đến năm 2010 đạt 7 triệu đồng/người/năm.Thu ngân sách trên địa bàn tăng 5-7%/năm so với dự toán trên giao.Tỷ lệ tăng dân số dưới 0,75%, tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên giảm dưới 14,5%, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%. Huy động 100% học sinh trong độ tuổi đến trường, thi tốt nghiệp THCS đạt trên 98%, hàng năm có trên 65% học sinh dự thi trúng tuyển vào các trường THPT. Có trên 70% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; Trạm y tế, trường Tiểu học, xóm 2 và xóm 6 giữ vững danh hiệu xóm văn hóa, cơ quan văn hóa; mỗi năm có 1-2 xóm, cơ quan đạt tiêu chí văn hóa. Hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu giao quân hàng năm. Có 90% chi bộ đạt trong sạch vững mạnh. Giữ vững và phát huy danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh, Chính quyền vững mạnh, các đoàn thể tiên tiến xuất sắc, xây dựng Hải Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh.

KẾT LUẬN

Lịch sử Đảng bộ và nhân dân Hải Nam gắn liền với mảnh đất con người Hải Hậu. Trải hơn 500 năm, từ buổi đầu mở đất, người dân Hải Nam đã chung sức chung lòng lập làng lập xã; kiên cường, anh dũng trong đấu tranh chống áp bức bất công, chống giặc, giữ nước, giữ làng, dựng nghiệp, xây đời sống mới. Đó là những trang sử thấm đượm trí tuệ, mồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ. Trải qua những năm tháng ấy, nhất là từ ngày có Đảng lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân Hải Nam đã tô thắm, hun đúc thêm truyền thống yêu nước, yêu quê hương, truyền thống đoàn kết, cần cù, dũng cảm và sáng tạo, truyền thống và nét văn hóa của mảnh đất con người Hải Hậu. Từ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ Hải Nam, có thể rút ra những kinh nghiệm có ý nghĩa thiết thực:

         Một là: Đảng bộ luôn quán triệt, nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Đây là nhân tố quyết định sự thắng lợi của phong trào cách mạng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hai là: Thường xuyên coi trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây là yếu tố then chốt để giữ vững niềm tin của nhân dân Hải Nam với Đảng. Ở đâu và thời điểm nào mà Đảng bộ không quan tâm củng cố tổ chức, giáo dục, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ đảng viên, công tác kiểm tra giám sát bị buông lỏng thì khi đó vai trò hạt nhân lãnh đạo các nhiệm vụ chính trị ở địa phương gặp khó khăn phức tạp.

Ba là: Đảng bộ phải thường xuyên nắm vững tình hình, đánh giá đúng tư tưởng tâm trạng và hiệu quả lãnh đạo của các chi bộ, tổ chức đoàn thể xóm đội. Tăng cường kiểm tra đảng viên thực hiện điều lệ Đảng, qua đó nâng cao sức chiến đấu của đảng bộ, giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng và sự đồng thuận xã hội.

Bốn là: Không ngừng chăm lo xây dựng củng cố chính quyền nhân dân vững mạnh, thực sự là trụ cột của hệ thống chính trị, là công cụ chủ yếu của nhân dân, là chính quyền của dân, do dân và vì dân.

Năm là: Trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ luôn quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo, phát huy vai trò trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể nhân dân trong việc xây dựng bảo vệ  Đảng, bảo vệ Chính quyền, đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân. Luôn chăm lo kiện toàn tổ chức, đổi mới hoạt động của mặt trận và các đoàn thể nhằm thu hút sự tham gia ngày càng rộng rãi của nhân dân vào việc xây dựng hệ thống chính trị.

Uống nước nhớ nguồn, những đổi thay tiến bộ của hôm nay được bắt nguồn từ mồ hôi, trí tuệ, máu xương của mọi thế hệ hôm qua. Ôn lại chặng đường  lịch sử của Đảng bộ và nhân dân Hải Nam là để tìm thấy ở trong đó sức mạnh của quá khứ, sức mạnh của truyền thống, làm hành trang cho hôm nay và các thế hệ mai sau tiếp bước xây dựng quê hương, đất nước ngày thêm giàu đẹp văn minh./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1