Lịch sử mảnh đất - Con người Hải Nam, truyền thống Văn hóa - Anh hùng
Lịch sử mảnh đất - Con người Hải Nam, truyền thống Văn hóa - An hùng. Vinh dự, tự hào, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Hải nam được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Hải Nam được thành lập từ 3 xã: xã
Trà Trung, xã Hội Nam, thuộc tổng Kiên Trung huyện Hải Hậu và xã Hội Khê Ngoại thuộc
tổng Kiên Lao huyện Xuân Trường là xã cửa ngõ nằm ở phía bắc huyện Hải Hậu. Nhân
dân Hải Nam giàu lòng yêu quê hương, đất nước và có truyền thống cách mạng, cần
cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, kiên cường, anh dũng bất khuất trong đấu
tranh chống giặc ngoại xâm, phong kiến và khắc phục hậu quả thiên tai. Từ thế kỷ
19 nhân dân Hải Nam tích cực tham gia các cuộc khởi nghĩa chống chế độ thực dân,
phong kiến mục nát nhà Nguyễn. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và
chống Mỹ, Nhân dân và Lực lượng vũ trang
xã Hải Nam đã kiên cường bám đất, bám làng, anh dũng chiến đấu, hy sinh và tích
cực phục vụ chiến đấu; đóng góp biết bao sức người, sức của vào các cuộc chiến
tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc góp phần làm nên bản anh hùng ca lịch
sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Ngay từ đầu năm 1931, các đảng viên
ở Hội Khê Ngoại được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện Xuân Trường đã phát
triển thành cơ sở cách mạng, không những trong xã mà còn mở rộng ra trong vùng
và các xã lân cận. Ở Hội Khê Ngoại đã thành lập tổ Đảng gồm 3 đồng chí do đồng chí
Lê Văn Mừu (tức Hoàng Kiên) làm Tổ trưởng. Tháng 7/1931 tổ Đảng đã lãnh đạo và
tổ chức treo lá cờ đỏ búa liềm trên đỉnh cây gạo trước đền Hội Khê Ngoại. Đây
là một sự kiện lịch sử, một truyền thống anh hùng của Đảng bộ và nhân dân xã Hải
Nam. Lá cờ đỏ búa liềm tung bay là một dấu son lịch sử, là niềm tự hào của Nhân
dân và Lực lượng vũ trang xã Hải Nam, tạo nên khí phách và tinh thần quyết chiến,
quyết thắng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Nơi đây tháng 7 năm 1931, tổ Đảng Hội Khê ngoại do đồng chí Lê Văn Mừu làm tổ trưởng đã tổ chức treo cờ Đảng ở cây gạo trước đền làng Hội Khê ngoại. Lần đầu tiên lá cờ đỏ búa liềm phấp phới tung bay giữa vùng quê hẻo lánh, nơi hang ổ kìm kẹp lâu đời của chế độ Phong kiến, Thực dân. Hình ảnh dó đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân xã Hải Nam chống đế quốc phong kiến.
Ngay sau khi giành được chính
quyền, ngày 21/08/1945 UBND lâm thời xã Hải Nam được thành lập ở các thôn Trà
Trung, Hội Khê, Hội Nam. Ngay sau đó, các tổ chức quần chúng xã hội được thành lập như
mặt trận Việt Minh xã, Thanh niên cứu quốc, Nông hội cứu quốc.
Từ một tổ Đảng đầu tiên có từ năm
1931, căn cứ vào tình hình nhiệm vụ để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng,
ngày 7/7/1947 Chi bộ Đảng được thành lập gồm 3 đảng viên do đồng chí Phạm Hữu
Lương làm Bí thư, sau đó phát triển thêm 3 đảng viên mới. Tháng 8/1947 nhân dân
trong xã lần đầu tiên nô nức được cầm lá phiếu bầu cử HĐND xã. Ủy ban hành
chính xã được thành lập ngay sau khi chính quyền cách mạng lâm thời được thành
lập, các lực lượng vũ trang đã ra đời để bảo vệ chính quyền còn non trẻ và giữ
gìn an ninh trật tự và trấn áp bọn phản cách mạng. Từ một tổ chức bán vũ trang
được thành lập lấy tên là “Tổ chức bảo vệ quốc” gồm 36 đội viên là những thành
phần ưu tú nhất được chọn trong các đoàn thể, tổ chức thành một đội sau này gọi
là Trung đội bảo vệ, được trang bị vũ khí như búp đa, mã tấu, lựu đạn, gậy tầm
vông, do đồng chí Lê Đức Hiếu chỉ huy. Đơn vị này nhanh chóng được huấn luyện
quân sự, giáo dục chính trị, tập đội ngũ, tập ném lựu đạn, tập trận giả. Xã đã
cử những cán bộ sớm được giác ngộ cách mạng đi dự các lớp quân chính do huyện
đội mở lớp đào tạo thành những cán bộ chỉ huy lực lượng vũ trang cho xã sau
này. Đây là một tổ chức tiền thân của lực lượng vũ trang xã Hải Nam, xứng đáng
là lực lượng trung thành, tin yêu của nhân dân. Cuối năm 1946 hưởng ứng lời kêu
gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh “toàn dân kháng chiến”, xã Hải Nam đã thành lập Ủy
ban kháng chiến hành chính và thành lập xã đội dân quân do đồng chí Đoàn Tư Dung
làm xã đội trưởng nhằm thống nhất chỉ huy lực lượng vũ trang toàn xã thay cho
đội bảo vệ cứu quốc trước đây. Lực lượng dân quân đã thành lập từ xã tới xóm,
mỗi xóm có một tiểu đội dân quân được gọi là xóm đội dân quân, mỗi làng có một
trung đội du kích. Cụ thể ở làng Trà Trung Trung đội du kích do đồng chí Mai
Văn Thuận chỉ huy, ở làng Hội Khê trung đội du kích do đồng chí Lê Đức Hiếu chỉ
huy, ở làng Hội Nam trung đội du kích do đồng chí Phạm Ngọc Bích chỉ huy. Đến 7/1947
lực lượng dân quân xã lên đến 350 người; lực lượng du kích gồm 136 người được
trang bị vũ khí, tổ chức theo quy mô mỗi làng một trung đội du kích sẵn sàng
ngăn chặn các đợt càn quét của địch. Cuối năm 1952 khi thực dân Pháp chuẩn bị
lực lượng làm bàn đạp tấn công chiếm đóng Hải Hậu, xã Hải Nam là một địa đầu
của huyện Hải Hậu, lại là nơi có trục đường quốc lộ 21 và tỉnh lộ 51 đi qua. Nhân
dân và lực lượng vũ trang xã Hải Nam được huyện phân công phụ trách đánh giặc
trên 1,5 km đường Quốc lộ, từ gốc gạo Hải Vân đến đường ngang Hưng Nghĩa xã Hải
Hưng và 2 km từ Cống Trắng đến cầu Thức Khóa thuộc Tỉnh lộ 51B. Nhân dân và lực
lượng vũ trang xã Hải Nam đã đóng góp hàng nghìn ngày công đào 1205m giao thông
hào chiến đấu, 215 hầm bí mật kiên cố để trú ẩn, nuôi giấu cán bộ và cất giấu
vũ khí trang bị. Đắp trên 400 hố, ụ ngăn sự cơ động của xe cơ giới, ngoài ra
còn dùng gốc tre, gốc cây đào 6 đoạn đường là nơi trọng yếu trên đường giao
thông đi vào 3 làng. Khi thực dân Pháp tiến công vào địa bàn Hải Hậu đã gặp
phải không ít khó khăn do sự chống trả, ngăn chặn, quyết liệt của lực lượng du
kích Hải Nam ngay từ cửa ngõ của huyện Hải Hậu.
Cùng với việc xây dựng, củng cố,
duy trì và phát triển lực lượng vũ trang để đáp ứng với việc phục vụ kháng
chiến, việc xây dựng và phát triển các đoàn thể quần chúng, các phong trào cách
mạng Hải Nam được phát triển không ngừng. Phong trào diệt giặc dốt, giặc đói;
phong trào tập luyện quân sự bảo vệ quê hương; phong trào quyên góp xây dựng
lực lượng vũ trang, phong trào áo ấm tình thương phát triển mạnh mẽ, các lớp “bình
dân học vụ”; phong trào hũ gạo kháng chiến được nhân dân trong xã hưởng ứng
tham gia tích cực. Cả xã dấy lên một tinh thần đoàn kết, một ý chí cách mạng
quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ quê hương. Thời
kì 2 năm 4 tháng lực lượng vũ trang và nhân dân Hải Nam kiên cường bám trụ xây
dựng cơ sở làng xã chiến đấu, tích cực đầu tranh diệt ác, phá tề bảo vệ phong
trào cách mạng. Với địa hình là nằm sát căn cứ quân sự của địch ở Lạc Quần, gần
cứ điểm Đông Biên, nằm kẹp giữa hai căn cứ của địch là Trung Thành và Thức
Khóa. Bọn phản cách mạng ngụy quân, ngụy quyền lực lượng bảo an trong
vùng nói chung và xã Hải Nam nói riêng phát triển có nhiều cơ hội trỗi dậy. Đây
là một lực lượng làm tay sai đắc lực cho địch, cho Pháp được pháp trang bị vũ
khí và tài chính. Trong xã Hải Nam chúng tổ chức thành nhiều ban tề, các làng đều
có một ban Tề với số lượng từ 60 đến 100 tên, cùng với các lực lượng và cựu
binh sĩ Pháp, các cai đội được trang bị súng và nhiều loại vũ khí, phương tiện
vũ trang khác. Lực lượng Tề nói chung và lực lượng Tề có vũ trang nói riêng,
chúng tổ chức thành từng đội, từng tổ được trang bị vũ khí thường xuyên đi lùng
sục, bắt cán bộ, phá hoại các tổ chức cách mạng, khống chế các hoạt động trong
làng xóm, ức hiếp nhân dân làm cho hoạt động các tổ chức cách mạng gặp nhiều
khó khăn, nhân dân vô cùng cực khổ căm phẫn trước tội ác của bọn Tề.
Trước tình hình đó đêm ngày 2/6/1950
lực lượng du kích xã Hải Nam bí mật hiệp đồng cùng lực lượng Công an Hải Hậu
,du kích xã Hải Thanh đồng loạt tấn công vào sào huyệt của bọn Tề tại nhà Chánh
tuỵ, tiêu diệt tề bắt sống một tiểu đội Bảo An, thu 7 súng trường và nhiều sổ
sách, quân trang, quân dụng khác. công bố bản án tử hình tên Chánh Tụy và tên
Cai Cự. Cùng với việc phát Tề , giết Tề thì nhân dân và lực lượng vũ trang xã
Hải Nam còn kiên cường bám trụ giữ vững mảnh đất tiền tiêu của huyện Hải Hậu,
tiếp tục làm hàng rào, đào hố sâu để ngăn cản sự cơ động của Pháp và bọn
phản động. Lực lượng du kích được phân
công ngày đêm canh gác sẵn sàng phục kích ngăn chặn đánh địch.
Đầu năm 1949 khi vùng đất Hải Hậu
chưa bị thực dân Pháp chiếm đóng và cai trị hoàn toàn, các cơ quan lãnh đạo và
tổ chức xã hội của tỉnh đã sơ tán về Hải Hậu. Nhờ đó các cơ sở cách mạng ở xã
Hải Nam ngày một phát triển, nhiều gia đình và cá nhân tiêu biểu có tấm gương
dũng cảm, bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ, bảo vệ các tổ chức, cơ quan nhà nước ở
các cơ sở cách mạng tại làng Hội Nam. Bảo vệ an toàn cho Ty công an tỉnh Nam
Định tại làng Trà Trung, cơ quan tòa soạn báo Nhân Dân hoạt động đều đặn tại
làng Hội Khê. Ngày mùng 5/11/1949 thực dân Pháp bắt đầu tấn công và Hải Hậu,
nhân dân và lực lượng vũ trang xã Hải Nam đã trực tiếp chiến đấu với thực dân
Pháp, phối hợp với bộ đội địa phương, bộ bộ đội chủ lực đánh nhiều trận trong
đó có 5 trận tiêu biểu.
- Trận chống càn Bờ - Rô - Ta - Nhỏ;
- Trận chống càn Ta - Răng - Te –
Dơ;
- Trận chống càn Bi Đông;
- Trận tập kích ngày 18/4/1954;
- Trận đánh Trà Hải Trung 18/5/1954;
Đặc biệt có ba trận đánh lớn đó là:
- Trận crống càn Bờ - Rô - Ta - Nhỏ:
từ ngày 1 đến ngày 22/12/1952 địch tập trung lực lượng càn các huyện Nam
Trực, Xuân Trường, Giao Thủy. Ngày 23/12/1952 địch tập trung tổng lực càn vào Hải Hậu. Phía
bắc từ Bùi Chu, Lạc Quần theo đường 21 qua Xuân Ninh vào Hải Nam. Phía Nam tàu
chiến địch đổ bộ lên Văn Lý đánh vào, chúng tạo thành gọng kìm nhằm tiêu diệt
và bắt gọn lực lượng của ta.
Chi bộ Đảng Hải Nam do đồng chí
Phạm Hồng Khanh làm bí thư đã họp và giao cho đồng chí Phạm Ngọc Bích làm xã
đội trưởng, đồng chí Mai Văn khoản là xã đội phó tổ chức thành 2 trung đội du
kích làng Hội Nam và làng Trà Trung, tổ chức trận địa chuẩn bị chiến đấu, lực
lượng du kích đã tổ chức đào hố, bẫy chông, gài mìn ở ba khu vực tiền tiêu tại HạKhê,
khu Gò Hoang, bãi Mom Rô, Hậu Đồng làng Trà Trung là nơi tập trung tiêu diệt
địch. Đây là nơi địch thường xuyên qua. Hai trung đội du kích chia thành 3 đội
phụ trách 3 khu vực canh gác, nghi binh ngụy trang phục kích chờ địch để chiến
đấu. Địch càn quét huyện Xuân Trường tràn xuống Hải Nam, du kích Hải Nam phối
hợp với bộ đội bố trí sẵn sàng chờ địch để tiêu diệt. Trong trận này đã diệt 20
tên lính Pháp và bắn bị thương nhiều tên khác.
Ngày 24/12/1952 địch bố trí hai
toán quân, một lực lượng càn xuống Hải Hưng, một lực lượng từ bốt Trung Thành sang
càn quét. Hòng làm suy yếu lực lượng của ta và tiếp tục bổ sung lực lượng cho bốt
Trung Thành, Đông Biên. Nhân dân và lực lượng du kích Hải Nam tiếp tục củng cố
lực lượng bám đất, bám dân đào hố, bẫy chông, gài mìn phục kích trên đường 21
để chủ động tiêu hao sinh lực địch, kìm chân không cho địch tấn công xuống Hải
Hưng và trực tiếp công kích vào bốt Trung Thành nơi quân Pháp và tay sai chiếm
đóng.
Ngày 16/5/1953 du kích Hải Nam đã
phục kích tiêu diệt 5 tên lính Pháp trong đó có một tên quan hai. Tháng 6 năm
1953 du kích Hải Nam phối hợp với bộ đội chống càn ở thôn Trà Trung diệt 13 tên,
bắt sống 1 đại đội, thu một khẩu đại liên, 2 trung liên và một móc-chi-ê.
Trận chống càn Bờ - rô - ta - nhơ đã góp phần bẻ gãy ý đồ càn quét bổ sung lực
lượng của định. Khơi dậy tinh thần quyết
chiến, quyết thắng của nhân dân và lực lượng vũ trang xã Hải Nam. Các tầng lớp
nhân dân phấn khởi dồn hết tinh thần, sức lực của cải cho cuộc kháng chiến,
kiên cường dũng cảm chiến đấu bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ quê
hương.
- Trận chống càn Ta - Răng - Te -
Dơ: Tháng 7/1953 với âm mưu tiêu diệt lực lượng của ta, tiếp viện cho bốt Đông Biên địch mở cuộc càn Ta
- Răng - Te - Dơ đánh xuống Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Du kích Hải Nam bố trí 7
lần bí mật bất ngờ cho đánh mìn trên đường 21 làm nổ tung 8 xe quân sự của
địch, chúng hoảng loạn tháo chạy, bị lực lượng du kích bắn tỉa tiêu diệt nhiều
tên địch và thu nhiều quân trang quân dụng.
Tháng 8 năm 1953 địch dùng 2 tiểu
đoàn cơ động, 1 tiểu đoàn càn quét dọc tuyến đường sông Sò, 1 tiểu đoàn càn dọc
đường 21 qua Chợ Trâu. Lực lượng du kích Hải Nam được phân công phối hợp với bộ
đội chủ lực phục kích trốn đánh địch từ cầu Bà Pha đến đường ngang Hưng Nghĩa.
Để chặn hướng đi của địch, du kích Hải
Nam được giao 12 quả mìn dưa để bố trí tiêu diệt địch. Trung đội du kích Trà
Trung chọn 20 chiến sĩ gan dạ, chia thành 4 tổ, mỗi tổ phụ trách chôn 3 quả mìn,
đắp một số ụ, nguỵ trang nghi binh. Khi đoàn xe của địch lọt vào trận địa mai
phục, với yếu tố bất ngờ trận đánh diễn ra hoàn toàn chủ động. Kết quả tiêu
diệt 21 tên thu nhiều quân trang, quân dụng của dịch. Trận đánh này đập tan âm
mưu tăng viện cho Bốt Đông Biên của Pháp, thể hiện cách đánh độc đáo, sáng tạo
của du kích đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm khi sử dụng vũ khí thô sơ
nhưng hiệu suất chiến đấu cao.
Trận đánh Trà Hải Trung: tháng 5 năm 1954 địch
điều 2 Tiểu đoàn thuộc binh đoàn cơ động với âm mưu một lần nữa cứu viện cho bốt
Đông Biên, có máy bay, đại bác yểm bộ cơ động theo trục đường 21 xuống chợ Cầu
Đôi. Lực lượng vũ trang Hải Nam được nhận phối hợp với đại đoàn 320, Trung Đoàn
52 nhanh chóng xây dựng trận địa, chia làm ba bộ phận phục kích. Bị đòn đánh bất ngờ, chúng không
kịp trở tay. Kết quả đã tiêu diệt hơn 300 tên, thu 01 đại bác và nhiều trang bị
khác. Trận đánh này đã làm tê liệt ý đồ tăng viện và bình định địa bàn của
Pháp, góp phần cổ vũ tinh thần quyết chiến quyết thắng cho quân và dân trong
huyện.
Sau chiến thắng trận Trà Hải Trung, ngày 18
tháng 5 năm 1954, ta siết chặt vòng vây hai vị trí Đông Biên, Thức Khoá, lực lượng du kích Hải Nam tiếp tục
tham gia bao vây Bông Biên, Lạc Quần, Thức Khoá góp phần đánh thắng cứ điểm
Đông Biên vào ngày 4/6/1954.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp nhân dân và
lực lượng vũ trang xã Hải Nam đã phối hợp đánh 117 trận lớn nhỏ, 11 trận độc
lập chiến đấu, tiêu diệt 118 tên địch, bắt sống 2 đại đội, phá tan 3 cụm tề,
phá hủy 8 xe quân sự, thu một khẩu pháo 57 mm, 1 khẩu đại liên, 2 trung niên, 1
súng ngắn, 2 súng trường và nhiều quân trang của địch. Hải Nam đã có 258 thanh
niên ưu tú gia nhập lực lượng vũ trang, 281 người tham gia dân công hỏa tuyến trong
đó có 49 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh, 8 đồng chí là thương binh, bệnh binh. Tại
quê hương hàng trăm người tham gia lực lượng du kích trực tiếp giết giặc, hàng
ngàn người đóng góp hàng ngàn ngày công đào hào, đắp ụ, đào hố để ngăn chặn hạn
chế sự cơ động của địch, tạo điều kiện để bộ đội du kích tiêu diệt địch.
Thắng lợi của quân và dân xã Hải Nam trước hết
do quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối, kháng chiến toàn dân, toàn diện
của Đảng và sự quyết tâm của các tầng lớp nhân dân. Với tinh thần “Thà hy sinh
tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Nhân dân và
lực lượng vũ trang xã Hải Nam là những người nông dân vừa chiến đấu, vừa sản
xuất, vừa là tiền tuyến trực tiếp tiêu diệt địch nhưng lại vừa là hậu phương
vững chắc cho tiền tuyến. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành độc
lập tự do cho Tổ quốc, Nhân dân và lực lượng vũ trang Hải Nam rất tự hào là
người lính nông dân, chân đất, áo nâu nhưng giàu lòng yêu nước, căm thù giặc,
kiên cường dũng cảm, mưu chí lập nên những thành tích đặc biệt xuất sắc.
Với thành tích đặc biệt xuất sắc đó Nhân dân và
các lực lượng vũ trang xã Hải Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng:
- 01 huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba cho
Đảng bộ và Nhân dân xã Hải Nam.
- Huân chương chiến công hạng 2 cho lực lượng Du
kích xã Hải Nam.
- 49 người con xã Hải Nam đã anh dũng hy sinh
được công nhận là liệt sĩ.
- 7 cá nhân được tặng huân chương kháng chiến
chống Pháp hạng 2.
- 64 cá nhân được tặng thưởng Huy chương kháng
chiến chống Pháp hạng 1.
- 31 cá nhân được tặng thưởng Huy chương kháng
chiến chống Pháp hạng 2.
- 224 cá nhân được tặng bằng khen của Chính phủ.
- 1 gia đình cơ sở cách mạng được Nhà nước tặng
thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng 3.
- 12 gia đình được tặng Huy chương kháng chiến
chống Pháp.
- 142 gia đình cực tỉnh huyện tặng Bằng khen, Giấy
khen.
Vinh dự, tự hào Đảng bộ nhân dân và các lực
lượng vũ trang xã Hải Nam, ngày 26 tháng 4 năm 2018 được Nhà nước phong tặng
danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống thực
dân Pháp.
PHÁT HUY TRUYỀN
THỐNG ANH HÙNG
CỦA CHA ÔNG TRONG
KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP
Đảng bộ và Nhân dân Hải Nam tập trung khôi phục
kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa sản xuất, vừa chiến đấu và chi viện
cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, xây dựng quê hương giàu đẹp văn minh.
Hòa bình lập lại, quân dân Hải Nam bắt tay vào
khôi phục và phát triển kinh tế, nhất là việc khai hoang, phục hóa mở rộng diện
tích trồng lúa và hoa màu. Trong những năm chiến tranh, địch càn đi, quét lại
nên tình hình kinh tế Hải Nam hết sức khó khăn, đồng ruộng tiêu điều, những nơi
cạnh đường 21 địch phong tỏa ác liệt, một số diện tích không thể trồng cấy
được, một số xóm ở gần đó khi nhân dân trở về đã trở thành vườn không, nhà
trống, xóm làng xác xơ. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, nhân dân Hải Nam bắt tay
vào khôi phục kinh tế nhất là sản xuất nông nghiệp. Năm 1956 - 1957 Chi bộ lãnh
đạo nhân dân đắp đê Đồng Trùng tiến hành cải tạo biến cánh Đồng Hóa, Thần Cuông từ 1 vụ thành 2 vụ với diện tích trên 72
ha. Thực hiện chủ trương người cày có ruộng, tiến hành cải cách ruộng đất, thực
hiện mục tiêu xóa bỏ chế độ người bóc lột người, quyền uy địa chủ, phong kiến.
Giai cấp nông dân thực sự làm chủ đồng ruộng là điều kiện tiền đề để phát triển
kinh tế.
Năm 1959, Hải Nam đã xây dựng thành công Hợp tác
xã nông nghiệp Trần Phú ở xã Trà Hải Trung. Đến năm 1961 Hải Nam có 13 Hợp tác
xã. Đầu năm 1964 các Hợp tác xã hợp nhất thành 3 Hợp tác xã ở 3 thôn với 95% hộ
nông dân vào Hợp tác xã. Nhờ tổ chức sản xuất tốt nên năng suất lúa ngày một
tăng, đàn gia súc gia cầm ngày một phát triển. Hàng năm cung cấp từ 10 đến 15
tấn thịt lợn hơi xuất chuồng. Những nguồn thu nhập từ chăn nuôi đã làm cho nền
kinh tế ngày càng phát triển để góp phần cung cấp thực phẩm cho nền kinh tế.
Công tác phục vụ chiến đấu được Đảng bộ và nhân
dân đặt lên hàng đầu. Lực lượng dân quân được tăng cường về số lượng và chất
lượng. Năm 1961, lực lượng dân quân có trên 200 đồng chí, năm 1965 có 300 đồng
chí được phân công trực chiến trên địa bàn xã và tăng cường phối hợp với bộ đội
trực chiến phòng không khu vực trọng điểm ở cầu Thức Khoá.
Bị thua ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã
mở rộng chiến tranh nhằm phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền
Bắc, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến. Với phong trào “tay
cày tay súng”, sẵn sàng đập tan chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, xây dựng
Chủ nghĩa xã hội chi viện cho tiền tuyến lớn.
Đảng Bộ tập trung lãnh đạo tổ chức sản xuất
trong thời chiến, cuối năm 1965 Hải Nam đã căn bản hoàn thành các công trình
thủy lợi, chủ động đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất. Giá trị sản xuất nông
nghiệp ngày một tăng. Năm 1969 năng suất đạt 54,6 tạ trên ha, năm 1972 là 66,8
tạ/ha. Các hợp tác xã đã chú trọng chăn nuôi tập thể và hộ gia đình xã nên đàn
lợn đến cuối năm 1965 đạt trên 1.500 con.
Song song với sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi,
Hải Nam còn tập trung phát triển cây công nghiệp đặc biệt là cây cói. Cuối năm
1964 mới bắt đầu canh tác 20 mẫu đến năm 1975 đã có 170 mẫu. Sản lượng cói ngày
một tăng lên, năm 1965 là 96 tấn/năm;
đến năm 1975 là 838 tấn/năm. Cùng với nghề trồng cói là nghề dệt chiếu
gia công cho nhà nước với mức trên 1.000 lá chiếu/năm. Đồng thời Hải Nam còn
phát triển mạnh nghề gạch ngói, trồng dâu nuôi tằm trị giá tiểu thủ công nghiệp
chiếm 25% tổng giá trị thu nhập của các hợp tác xã nông nghiệp.
Mặc dù chiến tranh phá hoại nhưng Đảng bộ xã Hải
Nam đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch của nhà nước. Sản
xuất phát triển đời sống nhân dân ổn định. Thực hiện khẩu hiệu “thóc không
thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Hàng năm xã Hải Nam đều vượt chỉ
tiêu giao quân và đóng góp lương thực cho nhà nước. Năm 1967 Đảng bộ và nhân
dân Hải Nam được đón nhận bằng khen của Chính phủ về thành tích chi viện đắc
lực cho tiền tuyến.
Nhận rõ tính chất khắc nghiệt của chiến tranh
phá hoại, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân xây dựng hầm hào và những trận địa chiến
đấu ở những nơi có mục tiêu cao điểm. Lực lượng dân quân được tổ chức chặt chẽ
với hơn 1.000 người, thường xuyên tổ chức một Trung đội dân quân trực
chiến ở cầu Thức Khóa và nổ súng chiến đấu 11 trận với không quân của đế quốc
Mỹ, góp phần đảm bảo giao thông Tỉnh lộ 489. Lực lượng dân quân du kích xã Hải
Nam còn cử một tiểu đội tăng cường tham gia trực chiến tại bờ biển Hải Thịnh,
Hải Đông. Vừa chiến đấu, vừa sản xuất bình quân trong năm Trung đội dân quân
thu từ 6 - 7 tấn thóc, do đó đã có kinh phí mua quân trang như giày, dép quần,
áo, mũ. Dân quân Hải Nam là một trong những xã dẫn đầu của huyện.
Thắng lợi của dân tộc ta trong kháng chiến chống
Mỹ cứu nước là một bản thiên hùng ca của dân tộc Việt Nam, nhưng cũng là một
trang sử đậm nét của Nhân dân và Lực lượng vũ trang xã Hải Nam, đã đóng góp
không mệt mỏi sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt.
Với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân
không thiếu một người” tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm
lược. Hải Nam đã có trên 2.000 thanh niên xung phong, tình nguyện nhập ngũ trực
tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại các chiến trường. Ở hậu phương Đảng bộ
và nhân dân Hải Nam đã đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 800 tấn
lương thực, 400 tấn thực phẩm, 872 tấn cói, 5000 lá chiếu phục vụ chiến trường.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, xã Hải Nam có
3 gia đình có 6 con, 2 gia đình có 5 con, 3 gia đình có 4 con, 42 gia đình có 3
con, 173 gia đình có 2 con đều xung phong lên đường giết giặc. 128 liệt sỹ là
con em Hải Nam đã anh dũng hy sinh trọn đời mình cho dân tộc, 54 đồng chí là
thương binh, 58 đồng chí là bệnh binh, 15 đồng chí bị nhiễm chất độc hóa học,
13 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 238 đồng
chí được hưởng chế độ theo Quyết định 142 và Quyết định 290 của Thủ tướng Chính
phủ.
Hải Nam đã tiễn đưa 675 thanh niên lên đường
nhập ngũ; 58 Thanh niên xung phong; 141 đồng chí tham gia Dân công hỏa tuyến. Tại xã có 2.845 đồng
chí tham gia lực lượng dân quân tự vệ.
Với một xã có bề dày lịch sử truyền thống anh
hùng chống giặc ngoại xâm, Nhân dân và Lực lượng vũ trang xã Hải Nam vinh dự
được Đảng Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng 3;
16 tập thể được nhận Bằng khen, Giấy khen của Ủy ban hành chính tỉnh Nam Định,
huyện Hải Hậu và Tỉnh đội Nam Định; 68 gia đình được Nhà nước tặng thưởng
Huân, Huy chương; 155 gia đình được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 571 cá
nhân được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến.
Phát huy truyền thống và thành tích đạt được
trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Đảng bộ và nhân dân
Hải Nam tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng bộ chính quyền nhân dân Hải Nam phát huy
truyền thống đoàn kết một lòng xây dựng quê hương giàu đẹp văn minh. Đảng bộ,
chính quyền đã tập trung chỉ đạo để có những bước phát triển thích hợp về kinh
tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng.
Trong phát triển kinh tế với cơ chế, chính sách
đổi mới của Đảng và Nhà nước, với sự năng động, sáng tạo của nhân dân đã đưa
nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất năng suất lúa. Năm 1984 đạt 89,5
tạ trên ha, đến năm 2017 đạt 127 tạ/ha. Giá trị canh tác trên đơn vị diện tích
ước đạt 116.000.000đ/năm. Bình quân thu nhập đầu người đạt 40,3 triệu, thu ngân
sách trên địa bàn tăng 1,5%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 80%.
Trong những năm gần đây, Đảng bộ và nhân dân đã
tập trung đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi cho công tác y tế, văn hóa,
giáo dục. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự
nghiệp y tế giáo dục đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận.
- Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia năm 2004 xã đạt
chuẩn về y tế năm 2014.
- Các cấp học đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 2,
chuẩn xanh sạch đẹp an toàn. năm học 2016 - 2017 ngành giáo dục xã Hải Nam là
đơn vị xếp thứ 2 trong toàn huyện.
- Đường giao thông nông thôn đã được cứng hóa
100% với 6,8 km đường nhựa và trên 27,5 km đường bê tông các xóm.
Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao
thường xuyên được duy trì trong dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Ngày hội Văn hóa - thể thao truyền thống hàng năm là món ăn tinh thần không thể
thiếu của các tầng lớp nhân dân xã Hải Nam.
Phong trào xây dựng xóm văn hóa, xóm nông thôn
mới và thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang được duy trì
thường xuyên, liên tục và từng bước nâng cao chất lượng một cách bền vững. Đến
nay đã có 20/20 xóm đạt xóm văn hóa cấp huyện, 20/20 xóm được Ủy ban nhân dân
huyện công nhận đạt xóm nông thôn mới bền vững và phát triển. Xã đạt chuẩn xã
nông thôn mới năm 2014, phấn đấu đạt xã nông thôn mới bền vững và phát triển
năm 2018.
Về công tác chính sách xã hội và đền ơn đáp
nghĩa: Nghĩa trang liệt sĩ xây dựng mới năm 1997 với trên 1000 m2, thường xuyên
được chăm sóc, tu bổ với kinh phí trên 20 triệu/năm. Các đối tượng chính sách
thường xuyên được thăm hỏi tặng quà trong các dịp lễ Tết và khi gặp khó khăn
trong cuộc sống. Tạo điều kiện thuận lợi cho thương binh, bệnh binh khắc phục
khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng.
Công tác quốc phòng, an ninh thường xuyên được
củng cố tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoàn
thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giao quân hàng năm. Từ năm 1976 đến nay
Hải Nam có 1.230 thanh niên lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc;
trong đó 9 đồng chí đã anh dũng hy sinh hiến dâng trọn đời mình để giữ gìn từng
tấc đất thiêng liêng của tổ quốc. Ở địa phương, lực lượng dân quân biên chế
hàng năm thời bình là 117 đồng chí = 1,4% dân số, thời chiến 744 đồng chí =
8,1% dân số; lực lượng dự bị động viên hạng 1 là 260 đồng chí; hạng 2 là 207 đồng
chí. Lực lượng vũ trang xã Hải Nam thường xuyên được giáo dục, rèn luyện, luôn
có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao,
thực sự là nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng
toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ cách
mạng trong thời kỳ mới.
Lực lượng công an hàng năm được tập huấn nghiệp
vụ, luôn chủ động tấn công trấn áp tội phạm, nên an ninh trật tự trong những
năm qua luôn ổn định và giữ vững. Năm 2014 được giám đốc công an tỉnh Nam Định
tặng giấy khen, năm 2016 được bộ công an tặng bằng khen cho cán bộ và nhân dân
xã Hải Nam trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, củng
cố an ninh quốc phòng, công tác chăm lo xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững
mạnh là nhiệm vụ then chốt trong quá trình cách mạng, năm 1975 Đảng bộ có 238 đảng
viên đến năm 2018 có 520 Đảng viên sinh hoạt ở 25 chi bộ. Đảng bộ luôn đạt
trong sạch vững mạnh. Đặc biệt từ năm 2005 đến năm 2015 Đảng bộ được Ban Thường
vụ Tỉnh ủy tặng cờ thi đua “Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu” 10 năm liên
tục. Mặt trận và các Đoàn thể nhân dân luôn là đơn vị tiên tiến xuất sắc của
huyện, của tỉnh. Trong những năm qua chính quyền luôn đạt vững mạnh toàn diện
là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua toàn diện. Năm 2008, 2010,
2012, 2016 được Uỷ ban nhân tỉnh tặng danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc”. Năm
2015 được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua”. Xã
Hải Nam được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014
và đang tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới bền vững và phát triển trong
năm 2018.
Trải qua hơn 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng
bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Hải Nam đã phát huy truyền thống yêu
nước, dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu, tích cực chủ động sáng tạo trong
lao động sản xuất, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm
lược. Đảng bộ nhân dân và lực lượng vũ trang xã Hải Nam đã phát huy truyền
thống anh hùng bản chất người con quê hương Hải Nam dũng cảm trong chiến đấu,
luôn phấn đấu vươn lên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Vinh dự tự hào phấn khởi với những thành tích đã
đạt được trong những năm qua, ngày 18/08/2018 xã Hải Nam chúng ta tổ chức lễ
đón nhận danh hiệu “ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ kháng
chiến chống Pháp. Phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng cho Đảng bộ
nhân dân và lực lượng vũ trang xã Hải Nam.
Phát huy truyền thống văn hóa anh hùng của huyện
Hải Hậu nói chung và quê hương Hải Nam nói riêng, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ
xã kêu gọi toàn thể cán bộ và nhân dân hãy tiếp tục phát huy truyền thống của
cha anh, đoàn kết chung sức, đồng lòng xây dựng xã Hải Nam mạnh về kinh tế, vững
về chính trị, mạnh về công tác an ninh quốc phòng. Xây dựng xóm, làng sáng - xanh
- sạch - đẹp, xứng đáng với truyền thống
quê hương văn hóa - anh hùng - nông thôn mới bền vững và phát triển./.
Ban tuyên giáo Đảng uỷ xã Hải Nam