Sau các vụ lúa xuân và lúa mùa, khi những ruộng lúa được thu hoạch
chỉ còn trơ gốc rạ cũng là lúc các “chủ vịt” thả đồng đổ về các cánh đồng không
“dựng lều, cắm trại” bắt đầu cho một mùa vịt thả đồng mới. Dù không phổ biến
như ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhưng mùa vịt thả đồng ở nông thôn tỉnh ta vẫn
khá ấn tượng. Điều quan trọng hơn, nghề nuôi vịt thả đồng đang mang lại hiệu
quả kinh tế “một vốn, bốn lời” cho nhiều hộ nông dân.

Trên cánh đồng của thôn Vàng, xã Yên Bình (Ý Yên), mùa này
đang được phủ màu trắng của các đàn vịt số lượng lớn. Chúng tôi hỏi thăm mới
biết đó là đàn vịt của ông Nguyễn Văn Đông ở thôn Tu Cổ, xã Yên Khánh - một
người nuôi vịt có tiếng trong vùng. Khi cây lúa mùa bắt đầu trỗ bông, cũng là
thời điểm ông nuôi vịt. Theo kinh nghiệm, ông Đông thường nuôi loại vịt cỏ (vịt
có lông màu trắng); loại này chân cao lội đồng khỏe nên người nuôi dễ lùa từ
đồng này sang đồng khác. Ông đặc biệt chú trọng chăm sóc đàn vịt ở giai đoạn
vịt con mới nở, chưa đủ sức để tìm mồi. Thức ăn cho vịt giai đoạn này chủ yếu
là cám gạo và cám ngô trộn lẫn với cua, ốc băm nhỏ, để đảm bảo đủ chất dinh
dưỡng. Vịt thả đồng sống trong môi trường tự nhiên nên trong 25 ngày đầu, vịt
được tiêm các mũi phòng bệnh dịch tả, cúm gia cầm… Vào vụ thu hoạch lúa, ông
thả vịt ra đồng để ăn những hạt thóc rơi vãi và tìm kiếm các loại mồi tự nhiên.
Trong các vụ trước, ông Đông thường nuôi 1.000 con vịt thả đồng. Do thấy hiệu
quả cao nên vụ đông xuân năm nay gia đình ông đã nâng tổng đàn lên 1.200 con
vịt thả đồng. Ông Đông cho biết: Dự kiến khoảng gần 1 tháng nữa gia đình tôi sẽ
xuất bán 2,5 tấn vịt thương phẩm. Với giá bán xô (bán cả đàn) hiện nay là 35
nghìn đồng/kg, gia đình tôi sẽ thu về gần 90 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư ban
đầu sẽ lãi khoảng 60 triệu đồng. Tại cánh đồng xã Hải Nam, anh Mai Văn Chương,
xóm 19 cũng đang tất bật với đàn vịt 1.000 con. Theo anh Chương, chăn vịt thả
đồng là nghề “ăn bờ, ngủ bụi”. Nghề này vất vả hơn rất nhiều so với kiểu nuôi
nhốt truyền thống, bởi bất kể trời mưa hay nắng suốt ngày phải chạy theo vịt
ngoài đồng. Vịt đi tới đâu, người chăn phải theo tới đó, tránh để vịt đi lạc.
Bên cạnh đó, nuôi vịt thả đồng cũng gặp nhiều rủi ro hơn, nhất là về dịch bệnh
do vịt thường ăn tạp nhiều loại thức ăn, khó kiểm soát. Cái lợi của nuôi vịt
thả đồng là người chăn nuôi tiết kiệm được chi phí mua thức ăn cho vịt. “Với
một đàn vịt khoảng 1.000 con, nuôi thả đồng có thể tiết kiệm được khoảng 15-20
triệu đồng tiền mua thức ăn mỗi tháng; khi xuất bán có thể lãi 45-50 triệu
đồng...” - anh Chương cho biết. Trong một tháng được thả trên đồng, vịt hoàn
toàn tự kiếm thức ăn mà người nuôi không phải bổ sung thêm thức ăn khác. Do vịt
được ăn hoàn toàn bằng thóc rơi và các động vật trên ruộng, lại vận động nhiều
do chạy liên tục từ đồng nọ sang đồng kia nên thịt săn và ngọt, chất lượng hơn
hẳn so với vịt nuôi bằng cám tổng hợp. Bởi vậy, vịt thả đồng được người tiêu
dùng ưa chuộng. Cuối vụ nuôi, phần lớn số vịt này được thương lái đến mua tại
ruộng. Nhờ đó, vịt thương phẩm bán “được giá” hơn. Do vậy, cho dù vất vả nhưng
nuôi vịt thả đồng vẫn được đánh giá là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đây cũng là lý do nhiều năm qua, người chăn nuôi vịt vẫn gắn bó với cái “nghề”
nhọc nhằn này.
Hằng năm, vào mỗi vụ sản xuất toàn tỉnh thường gieo cấy 75-78
nghìn ha lúa. Đây được xem là bãi chăn thả lý tưởng cung cấp miễn phí nhiều
loại thức ăn cho vịt. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và
PTNT), trong mỗi mùa vịt thả đồng toàn tỉnh nhập từ 500-600 nghìn con vịt.
Những hộ nuôi ít mỗi vụ từ 400-500 con, những hộ nuôi nhiều tổng đàn lên tới
2.000-3.000 con. Thông thường, mùa vịt thả đồng chỉ kéo dài khoảng 2 tháng. Để
có đàn vịt thả đồng, trước mỗi vụ thu hoạch lúa, các hộ nông dân mua vịt con về
ươm đến 25-30 ngày tuổi. Đợi khi lúa thu hoạch xong, các hộ nông dân thường
chọn các cánh đồng có kênh mương hoặc ao nước để lùa đàn vịt ra “đóng đô”, tận
dụng lúa rơi rụng sót lại và nguồn thức ăn tự nhiên như: cá, tôm, cua… Khi thức
ăn cạn kiệt lại lùa vịt sang cánh đồng khác để tìm kiếm thức ăn cho đến khi vịt
được tầm 50-60 ngày tuổi là xuất bán. Cách này giúp vịt nhanh lớn mà người chăn
nuôi cũng không phải đầu tư nhiều vốn, đem lại lợi nhuận cao. Hạch toán của các
hộ nông dân cho thấy, nếu nuôi nhốt thì mỗi ngày 1 con vịt thịt sẽ tiêu tốn từ
5.000-7.000 đồng tiền thức ăn. Tuy nhiên, nếu nuôi thả đồng, vịt không những
lớn nhanh mà đỡ tốn thức ăn, chỉ mất công chăn thả. Mỗi con vịt thả đồng từ
50-60 ngày có trọng lượng từ 2-2,5kg. Với giá bán hiện tại khoảng 35-38 nghìn
đồng/kg, trừ chi phí đầu tư về con giống, thức ăn giai đoạn đầu sẽ cho lãi từ
35-50 nghìn đồng/con. Qua một vụ vịt thả đồng, nhiều hộ nông dân thu lãi hàng
chục triệu đồng, cá biệt có những hộ lãi 100-150 triệu đồng. Tuy vậy, để đảm
bảo an toàn cho đàn vịt từ khi nuôi đến khi xuất bán, người nuôi vịt thả đồng
phải là những người có kinh nghiệm, kỹ thuật cao, đồng thời cũng kiêm luôn cả
“bác sĩ thú y”. Bệnh vịt thường gặp là tụ huyết trùng, dịch tả và hầu như ai đã
bước vào nghề này cũng phải biết cách cách phòng trị là tiêm ngừa vắc-xin và bổ
sung vitamin để tăng sức đề kháng cho đàn vịt. Bên cạnh đó, người nuôi vịt thả
đồng cũng cần lưu tâm tới những điều “tối kỵ” như: không thả vịt vào khu vực
nuôi trồng thủy sản của các gia đình khác và không thả vịt chạy đồng vào thời
điểm lúa của bà con bắt đầu trỗ bông, kết hạt, đang thu hoạch.
Mặc dù hiệu quả kinh tế đã được khẳng định, tuy nhiên nghề
nuôi vịt thả đồng cũng chịu nhiều rủi ro cho cả người nuôi và môi trường chung,
nhất là khi mắc dịch cúm gia cầm có thể phải tiêu hủy cả đàn. Đồng chí Ninh Văn
Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Khi nuôi thả đồng,
vịt ăn thức ăn tạp nên nguy cơ mắc bệnh là tương đối cao. Khi phát thành dịch
có khả năng lây lan rộng và nhanh cho cả đàn, thậm chí là sang cả đàn vịt của
những hộ chăn nuôi khác. Vì vậy, người nuôi vịt thả đồng cần thực hiện tốt công
tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và công tác tiêm phòng dịch bệnh
trên đàn gia cầm. Đặc biệt, khi phát hiện có vịt bị bệnh, cần nhanh chóng tách
đàn, tuyệt đối không được giấu dịch, thông báo cho cán bộ thú y địa phương biết
để kịp thời có biện pháp can thiệp, giảm tối đa thiệt hại...