7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú
Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an)
cho biết, thực hiện Luật Cư trú năm 2020 quy định về việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm
trú giấy, sử dụng hộ khẩu điện tử là cuộc cải cách hướng tới giảm các thủ tục
hành chính tạo thuận lợi cho người dân trong các giao dịch.
Để việc triển khai thực hiện có hiệu quả nhằm tạo
thuận lợi, giảm phiền hà cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính hay
giao dịch dân sự, sau khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị thu hồi hoặc hết hiệu lực,
người dân có thể sử dụng 7 phương thức sau.
Thứ nhất,
người dân sử dụng căn cước công dân gắn chip.
Đây là giấy tờ pháp lý
chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú. Điều 3, Điều 18 và Điều 20
Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định, khi công dân xuất trình căn cước công
dân, thì cơ quan, chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất
trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về căn cước công dân.
Thứ hai, công dân, cơ quan,
tổ chức dùng thiết bị đọc mã QR trên căn cước công dân gắn thiết bị được tích
hợp với máy tính hoặc thiết bị di động để đọc các thông tin gồm: Số căn cước
công dân; số chứng minh nhân dân 9 số; họ và tên; ngày sinh; giới tính; nơi
thường trú; ngày cấp căn cước công dân.
Thứ ba, công dân, cơ quan,
tổ chức sử dụng thiết bị đọc thông tin trong chip trên căn cước công dân phục
vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự...
Các thông tin gồm: họ,
chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quê quán; nơi
thường trú; số chứng minh đã được cấp; ảnh chân dung; vân tay;...
Thứ tư, người dân tra cứu,
khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
thay cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Theo đó, sau khi truy cập trang web dân cư
quốc gia theo địa chỉ dichvucong.dancuquocgia.gov.vn, công dân đăng nhập tài
khoản theo hướng dẫn.
Sau đó, chủ tài khoản
truy cập vào chức năng "Thông tin công dân". Thông tin cơ bản của
công dân sẽ hiển thị gồm: họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh;
giới tính; nơi đăng ký khai sinh; nơi thường trú; số định danh cá nhân; số
chứng minh nhân dân.
Thứ năm, cá nhân sử dụng ứng
dụng VNeID hiển thị các thông tin trên thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết
các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Để thực hiện, công dân
đến cơ quan công an đăng ký tài khoản mức 2; cài ứng dụng VNeID; kích hoạt tài
khoản trên thiết bị di động khi nhận được tin nhắn thông báo. Sau khi được kích
hoạt, thông tin hiển thị trên VNeID gồm: số căn cước công dân; họ và tên; ngày
sinh; giới tính; đặc điểm nhận dạng; số điện thoại,...
Thứ sáu, công dân sử dụng
giấy xác nhận thông tin về cư trú được ban hành kèm theo Thông tư số
56/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ trưởng Công an.
Để có giấy này, người
dân đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước để đề nghị cấp, hoặc gửi yêu cầu
xác nhận thông tin về cư trú qua dịch vụ công trực tuyến khi cần thiết.
Bộ Công an đã chỉ đạo
công an các địa phương tạo điều kiện tối đa cho công dân khi xin cấp giấy xác
nhận thông tin về cư trú. Mẫu giấy này có đầy đủ thông tin cá nhân, thông tin
về nơi cư trú của công dân, thông tin về chủ hộ, mối quan hệ của các thành viên
trong hộ gia đình.
Thứ bảy, công dân sử dụng
thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân
cư.
Bộ Công an đã chỉ đạo
cấp thông báo số định danh và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
cho 100% người chưa được cấp căn cước công dân trên toàn quốc.
Các thông tin trên
thông báo số định danh cá nhân gồm: họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng,
năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; tình trạng hôn nhân; nhóm máu;...
Hiện nay, Bộ Công an
đã đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, sở, ban, ngành có liên quan căn cứ
thông tin trên căn cước công dân gắn chip, thông báo số định danh cá nhân, xác
nhận thông tin về cư trú để xác định nơi cư trú của công dân khi giải quyết các
thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Mục đích để thống nhất với quy định của
Luật Cư trú năm 2020, không yêu cầu người dân xuất trình sổ thường trú, sổ tạm
trú giấy.
Với 7 phương thức sử
dụng thông tin công dân thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như trên,
từ ngày 1/1/2023 tới đây, công dân sẽ cần có 1 trong 4 loại giấy tờ có giá trị
chứng minh cư trú để thực hiện các giao dịch dân sự.
Cụ thể là: Căn cước
công dân gắn chip, Tài khoản định danh điện tử, Giấy xác nhận thông tin về cư
trú/hoặc Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư với người chưa được cấp căn cước công dân.
Một số kết quả sau một năm triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg
phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực
điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm
2030” (Đề án 06):
- Hoàn thành đưa 21/25
dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, một số
dịch vụ có tỷ lệ người dân hưởng ứng tham gia cao, đó là: xác nhận chứng minh
nhân dân 9 số tỷ lệ 100%; thông báo lưu trú 98,3%; thủ tục làm con dấu mới
90,8%; đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông trực tuyến đạt 93,1%, cấp hộ
chiếu 62%....
- Ngành công an đã
cung cấp 227/227 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, nhiều nội dung rất thiết
thực được người dân đón nhận (cấp hộ chiếu, đăng ký xe, các thủ tục về cư
trú...).
- Ngày 18/7/2022: Bộ
Công an đã công bố hệ thống Định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động
chính thức.
Đến ngày 22/12/2022,
hệ thống đã thu nhận hơn 18,7 triệu hồ sơ đăng ký, phê duyệt trên 17 triệu tài
khoản định danh điện tử cho công dân. Trong đó, có hơn 2,6 triệu tài khoản định
danh điện tử đã kích hoạt.
- Đã cấp hơn 76,5
triệu thẻ căn cước công dân gắn chip.
- Cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư đã kết nối chính thức với 12 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà
nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 35 địa phương.
Nguồn: Nhandan.vn